Trước khi vào bài thì mình xin đi thẳng vào quan điểm luôn là: Mình muốn Sơn Tùng MTP giới hạn độ tuổi cho MV There’s no one at all.
I – Đừng dùng hai chữ “nghệ thuật” để lấp liếm cho cái sai
Khi cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra, đã có rất nhiều người cho rằng việc gỡ bỏ MV là sự bóp chẹt nghệ thuật, tuy nhiên, người ta bỏ qua một vấn đề là ai có thể hiểu được nghệ thuật trong MV ấy. Những đối tượng dễ bị tổn thương mà chính phủ đưa ra đó là các bạn học sinh, lứa tuổi trẻ vị thành niên hay những người mắc các bệnh liên quan đến tâm lý. Ấy vậy mà những con người sức khỏe tâm lý bình thường, tuổi tác cũng đã qua cái tuổi sinh viên, có điều kiện để được học và làm việc trong môi trường nghệ thuật lại là những người đại diện phát biểu để bày tỏ giùm tiếng nói của những người dễ bị tổn thương. Thật nực cười. Cách suy nghĩ về nghệ thuật của mỗi người là khác nhau, cũng đồng nghĩa với việc sự tích cực hay tiêu cực thông qua các hình ảnh nghệ thuật ẩn dụ cũng sẽ được nhìn nhận ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cái đập vào mắt chúng ta đầu tiên, cái “nghĩa đen” của MV được truyền tải lại mang xu hướng tiêu cực. Bạn nghĩ một đứa học sinh 15-17 tuổi sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Một người đang suy sụp sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Một người ít kiến thức về nghệ thuật sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Nếu bạn bảo là họ phải hiểu giá trị nghệ thuật, các phép ẩn dụ trong MV thì khác nào bạn đang ép họ phải suy nghĩ như bạn? Bạn đừng độc tài thế chứ.
II – Vì sao lại là Sơn Tùng MTP mà lại không phải các nghệ sĩ khác?
Quay lại tầm khoảng 5 năm trước, thời điểm rap được biết đến rộng rãi đủ nhiều ở Việt Nam nhưng không quá nổi bật, các cuộc tranh cãi về việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh trong rap cũng lớn dần lên. Thời điểm đó, một bên thì lên án vì cho rằng những ngôn từ dung tục, đả kích ở trong rap là trái với thuần phong mỹ tục, là làm xấu đi âm nhạc, còn một bên còn lại thì ủng hộ vì cho rằng, rap là để miêu tả thực trạng xã hội, là để phơi bày góc tối cuộc sống và con người, và rap nên được giữ trọn vẹn theo cách gai góc như cách nó được sinh ra. Và rồi đến năm 2021, nhà nước chính thức có những cảnh cáo tác động lên việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh trong rap, rapper cũng đã phải bắt đầu biết kiềm chế ngôn từ.
Trở lại với Sơn Tùng MTP, nhiều người phản bác rằng, tại sao không đánh vào các nghệ sĩ rác, các kênh giải trí vô bổ khác mà lại đi đánh vào Sơn Tùng. Ở đây, chúng ta cần hiểu rõ rằng dùng một cái sai để thanh minh cho cái sai khác, đó là bao biện. Tất cả đều sai, và dù nhà nước có bỏ qua thì cái sai vẫn là sai, Sơn Tùng vẫn không đúng. Có nhiều lý do để có thể giải thích cho vấn đề vì sao lại là Sơn Tùng. Thứ nhất, Sơn Tùng có sức ảnh hưởng lớn tới các đối tượng trẻ tuổi, những người hầu hết chưa thực sự định hình được cách sống cho bản thân vì vẫn còn trên ghế nhà trường và chưa va chạm xã hội quá nhiều nên rất dễ bị tác động tư tưởng, đặc biệt là từ những người họ yêu mến như idol. Đây là một lứa tuổi cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia vì đây chính là nguồn nhân lực về cả tri thức lẫn thể chất cho tương lai đất nước sau này, ở độ tuổi này, tâm lý vẫn còn dễ bị bất ổn và bồng bột, tất cả những hành động trông “có vẻ ngầu” đều dễ bị họ bắt chước làm theo. Thứ hai, Sơn Tùng là nghệ sĩ hạng A, có mức độ ảnh hưởng về mặt truyền thông top đầu Việt Nam, và người ta thường bảo, muốn làm trùm trường thì phải đấm thằng trùm trường. Nhớ lại vụ việc của Độ Mixi cách đây 2 năm, tại sao thời điểm đó, có nhiều streamer khác và thậm chí là còn tục hơn cả Độ Mixi lại không bị chỉ điểm mà chỉ có mỗi Độ Mixi? Đơn giản là vì tầm ảnh hưởng lên giới trẻ của Độ Mixi là quá lớn, và đánh con đầu đàn thì những con khác sẽ biết mà nghe lời. Cũng tương tự như vụ việc của Khá Bảnh khi có hàng đống youtuber với các nội dung rác khác nhau nhưng Khá Bảnh lại bị xử lý cực kỳ mạnh tay, vì đơn giản, thời điểm đó Khá Bảnh ảnh hưởng quá lớn đến giới trẻ. “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao”, ai xem Spider-Man chắc đều biết câu nói này, Sơn Tùng MTP, trên cương vị là người có ảnh hưởng nhất nhì ở showbiz đến giới trẻ, đã chưa làm tròn trách nhiệm trong việc sản xuất MV There’s no one at all.
III – Việc so sánh US-UK với V-Pop là sự ngụy biện trơ trẽn
Đây là Việt Nam!
Việc đem MV ở một quốc gia với văn hóa, truyền thống, lối sống, chế độ khác để so sánh với một MV ở Việt Nam thật nực cười. Nếu bạn muốn thì cứ việc sống theo kiểu Tây, không ai ép cả, nhưng trên cương vị là những nhà lãnh đạo một đất nước, đất nước, dân tộc, quốc gia phải luôn được đứng đầu. Bạn nghĩ những MV ở phương Tây không gây ra tự tử ư? Nah, Glommy Sunday chắc là ngoại lệ, và còn nhiều tác phẩm nữa. À mà đôi khi họ không tự tử thật, họ chỉ cầm súng đi xả vào trường học thôi, và tất cả các vụ xả súng đều có liên quan đến phim ảnh, âm nhạc, hoặc trò chơi điện tử. Bạn phải hiểu rằng tất cả các bộ phim khi về Việt Nam đều bị kiểm duyệt, cắt xén và gán mác cho phù hợp đối tượng nên đừng có bảo là sao không cấm phim hành động này nọ. Vớ vẩn. Sự ngụy biện này trơ trẽn quá nên mình không muốn nói thêm nhiều.
IV – Làm ơn đừng đem các tác phẩm văn học tinh túy của lịch sử Việt Nam ra so sánh
Các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa đều có xu hướng thể hiện sự khó khăn, gian khổ trong một giai đoạn nào đó trong lịch sử mà nếu hỏi ai đó sống qua thời kỳ đó, họ sẽ gật đầu bảo đúng. Các nhân vật cũng được thể hiện xuyên suốt qua các câu chuyện, gán ghép vào đó các giá trị nhân văn về con người cũng như cuộc sống. Thử hỏi, một MV 4 phút với một hình mẫu nhân vật nổi loạn thể hiện được bao nhiêu phần trăm số lượng giới trẻ hiện giờ? Bây giờ ai cũng nổi loạn và bây giờ cuộc sống toàn sự hằn học vậy à? Chính vì các tác phẩm văn học được lồng ghép nhiều giá trị nghệ thuật, có thể có cả các cảnh mang xu hướng tiêu cực nên mới cần giáo viên, một người đủ chuyên môn hiểu biết, để giảng dạy, để giải thích cho học sinh hiểu và để đảm bảo học sinh không suy nghĩ sai đường. Ai sẽ là người dạy bạn xem MV? Và mình nhắc luôn đó là, với những đối tượng còn nhỏ tuổi, chưa đủ nhận thức thì những cảnh tiêu cực ấy cũng sẽ bị bỏ ra khỏi chương trình học và giảng dạy nhé. Ai hồi nhỏ chắc cũng từng nghe chuyện Tấm Cám nhưng phải lớn hơn một chút mới được biết cái kết thực sự của nó là như thế nào.
Trong môn toán liên quan đến khoa học dữ liệu, có một phần là “Giả thuyết không” (null hypothesis). Nếu bạn không thể tìm được bằng chứng để phủ nhận giả thuyết không, không đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận giả thuyết không là đúng, chỉ đơn giản là chúng ta thất bại trong việc phủ nhận giả thuyết không mà thôi. Chúng ta không có bằng chứng chứng minh MV There’s no one at all gây ra các hành vi và tâm lý tiêu cực cho giới trẻ, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc MV này vô tội như mình đã giải thích ở trên; nó vẫn sẽ là một tác nhân trong nhiều tác nhân có ảnh hưởng tiềm tàng tới hành vi và tâm lý của nhiều người trẻ, đặc biệt là những người đã có vấn đề về tâm lý. Vì thế, hãy như Soobin Hoàng Sơn, giới hạn độ tuổi, ngừng PR cho MV, và mọi thứ sẽ ổn. Còn về việc liên quan đến giáo dục của phụ huynh, người lớn, mình sẽ ra một bài riêng.
Góc nhìn này là của mình, nếu bạn hỏi là vì sao mình có thể lên tiếng được khi mình cũng là một người bình thường, đúng, hiện giờ mình ổn, nhưng mình đang lấy bản thân mình của thời kỳ trước để nhìn nhận vấn đề này, thời kỳ đã để lại những vết sẹo chi chít vĩnh viễn trên cả thể xác lẫn tâm hồn mình. Peace out.