Categories
Người uống cà phê

Nói chuyện giáo dục và điểm số ở Việt Nam lại liên tưởng đến mấy bạn du học sinh

Hôm nay tự dưng vô tình xem lại được mấy bài viết về giáo dục ở Việt Nam, nên là nói chuyện giáo dục đi. Cứ tưởng tượng như đây là một bài nghiên cứu thì luận đề sẽ là:  Mức độ giáo dục và đánh giá dựa trên điểm số ở Việt Nam tương đồng ở mức độ nào so với giá trị thực tiễn của kiến thức và kỹ năng dài hạn.

Luận đề thì viết vậy thôi, nhưng chủ yếu thì chúng ta sẽ cố gắng nhìn vào cái thang điểm 10 ở Việt Nam và cùng nhìn nhận xem nó có phù hợp và hữu ích cho việc giáo dục hay không. Trước khi bắt đầu lan man câu chuyện ra thì mình sẽ nêu cái mệnh đề luôn là đối với mình, giáo dục ở Việt Nam tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Sẽ không khó để có thể tìm thấy những bài viết nói về sự yếu kém hay độc hại hoặc là không thực tiễn của việc đánh giá học sinh dựa trên điểm số, các bài viết này đến từ rất nhiều người từ nhiều ngành nghề ở trong và ngoài nước bao gồm cả du học sinh. Dĩ nhiên, tất cả những bài viết đó đều dựa theo quan điểm cũng như trải nghiệm của cá nhân, nên sẽ có những bài viết mang tính đánh giá và cũng có những bài viết mang hơi hướng quy chụp và đánh đồng công khai. Tuy nhiên, tại sao mình lại chọn một cách nhìn khác khi nhắc đến các con số trong bảng điểm? Bởi vì nó đến từ những hoàn cảnh mà mình có thể áp dụng được kiến thức vào thực nghiệm trong khoảng thời gian sau này.

Ai từng đi học mà chẳng phải trải qua khoảng thời gian đổ mồ hôi hột khi nhắc đến chuyện kiểm tra hay thi cử dù có là khối nào hay chuyên nào đi nữa. Nhiều người đánh giá rằng đây là một môi trường hoặc lớn hơn là một hệ thống giáo dục cạnh tranh độc hại vì nó tạo nên một sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các học sinh và hơn nữa là sự đánh giá chủ quan về năng lực của học sinh tại một thời điểm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xét đến hai điểm: thứ nhất, các học sinh có thực sự đang cạnh tranh với nhau hay người mà họ đang cạnh tranh lại là chính bản thân họ; thứ hai, môi trường độc hại được nhắc đến là do tự ngộ nhận, tự tạo, hay chủ đích đằng sau của nền móng giáo dục ở Việt Nam gây ra.

Xét về điểm thứ nhất, cả hai vế đều có khả năng và lý của nó. Đối với mình, đây là điều hiển nhiên vì trong tất cả mọi môi trường và hoàn cảnh, sự đào thải là luôn phải diễn ra, vì thế sự cạnh tranh là bắt buộc phải có. Chỉ từ việc chúng ta luôn học hỏi cái mới, luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng, đó đã là cạnh tranh với chính bản thân chúng ta rồi vì vốn chúng ta luôn muốn tốt hơn để có thể cạnh tranh với những cá nhân khác để tồn tại trong một tập thể mạnh. Cạnh tranh điểm số nó dễ hơn cạnh tranh trong công việc rất nhiều vì điểm số dựa trên những kiến thức mà chúng ta đã được tiếp thu cộng thêm những tài liệu khả dụng cho việc tìm tòi phương pháp và lời giải, chưa kể đến việc những kiến thức được kiểm tra sẽ nằm trong một phạm vi nhất định, tuy nhiên, trong công việc, tất cả mọi thứ đều mới và khác nhau dựa trên các yếu tố về con người, hoàn cảnh hay nói cách khác là tác động từ bên ngoài. Khi bạn làm bài kiểm tra, bạn sẽ phải ôn kiến thức của một năm học, nhưng khi bạn đi phỏng vấn, bạn sẽ phải ôn lại kiến thức của 4 năm, thậm chí là cả chục năm trời mày mò trong đống kiến thức đó. Sẽ có nhiều cách để chứng minh trình độ của bản thân, nhưng giữa việc có một bảng điểm tốt và kinh nghiệm làm việc ngắn hạn với việc bảng điểm kém và một công trình hay thành tựu nổi bật, thì cái nào dễ cho những sinh viên mới ra trường hơn? Nhìn về quá khứ trong giai đoạn chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hay chiến tranh thế giới lần thứ 2, hay cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau này, chúng ta dù có ghét hay thích thì cũng phải công nhận rằng từ những sự cạnh tranh khốc liệt đó mà thế giới phát triển tột bậc trong tầm 50 năm trở lại đây về cả công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quân sự. Nếu ai từng học kinh tế thì chắc cũng hiểu được, một thị trường công bằng (fair market) là một thị trường mà chỉ những doanh nghiệp mới và nhỏ muốn bước chân vào, còn khi lớn mạnh hơn rồi, thì tất cả các doanh nghiệp đều tham vọng được độc quyền (monopoly) hoặc chí ít là cùng độc quyền (oligopoly). Chúng ta có cơ hội được tiếp cận tới nhiều thứ rẻ hơn, tiện nghi hơn, và hữu dụng hơn cũng đến từ những sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nơi mà những người không đủ kiến thức, khôn khéo, lì đòn, và biết người biết ta sẽ là những người rời khỏi cuộc chơi đầu tiên.

Xét về điểm thứ hai, điểm số có tạo ra một môi trường giáo dục hay cạnh tranh độc hại? Câu trả lời là không bởi vì giáo dục luôn hướng đến sự phát triển của con người, chỉ có như vậy thì giáo dục mới có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, và việc biến nó trở nên độc hại, đó là do tự chúng ta muốn nó như vậy. Chúng ta có quyền được đặt cho bản thân một tiêu chuẩn để hướng tới, cũng như việc lựa chọn phát huy điều gì dựa trên năng lực của bản thân. Quay lại khoảng thời gian đi học ở Việt Nam, mình rất ghét ngồi trong lớp tại vì mình không phải là một đứa chăm học, hồi cấp 2, mình cũng được bố mẹ cho đi học thêm rồi đi thi cử và tính ra, hồi cấp 2 mình cạnh tranh hơn nhiều vì lúc nào cũng muốn được nhất lớp. Nhưng rồi sau khi được gặp những bạn rất giỏi từ các trường khác hồi đi ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay sau khi tốt nghiệp rồi lên cấp 3, mình nhận ra là những thứ quý giá nhất ở lại với mình lại là những kiến thức từ sách vở, thứ làm nền tảng cho mình để định hướng sẽ học gì và làm gì khi lên cấp 3, đặc biệt là mình nhận ra được thế mạnh cũng như sở thích của mình. Thực ra, cái quyền được định hướng bản thân đã trở nên rất rõ ràng khi chúng ta lên cấp 3 dựa vào việc là chúng ta muốn học sâu vào môn gì để từ đó lựa chọn khối phù hợp để học và thi. Chính thầy cô cũng rất hiểu điều này nên tuỳ vào các khối mà khối lượng các môn học sẽ được tinh chỉnh để phù hợp cho học sinh. Giả sử như mình học khối A thì thầy cô sẽ dạy nặng hơn về các môn tự nhiên, đồng thời các môn xã hội cũng sẽ được thầy cô nới lỏng để tạo điều kiện cho mình (*), rồi sau khi mình định hướng là sẽ thi khối A01 thì mình cũng được ưu tiên thời gian để học sâu hơn các môn Toán, Lý và tiếng Anh. Đây chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến cho mình đánh giá là giáo dục ở Việt Nam không độc hại hay ảnh hưởng quyền con người của học sinh, bởi vì xét đến cuối thì thầy cô luôn muốn học sinh học hành thành công, còn học sinh được lựa chọn học cái gì mà họ giỏi nhất. Hồi kỳ 1 lớp 12, mình được học sinh tiên tiến vì thiếu điểm môn Ngữ Văn, lúc đó có rất nhiều người bất ngờ và thất vọng với kết quả của mình nhưng bản thân mình thấy xứng đáng vì nó phản ánh đúng thế mạnh và điểm yếu của mình ở tất cả các môn học. Và bằng việc tự nhận thức được thế mạnh hay điểm yếu của bản thân, mình tự đưa bản thân ra khỏi cái độc hại mà nhiều người nhắc đến. Và rồi cũng nhờ nhìn nhận kỹ càng về việc mình sẽ làm cái gì tốt hơn mà mình đã quyết định rẽ hướng để lựa chọn con đường đi dù khác so với mọi người xung quanh nhưng lại đúng đắn với mình. Cho nên sự độc hại nó cũng giống như cái ác cảm của con người với một vấn đề nào đó vậy, khi chúng ta xét đến lợi ích cá nhân thì một khi lợi ích bị thiệt hơn mà chúng ta lại không tìm được cách để cải thiện giá trị, trong khi những người khác lại đang gia tăng nó, chúng ta tự sẽ có ác cảm thôi. Một dạng khác của định hướng cạnh tranh nhưng áp dụng được trong khuôn khổ của giáo dục, công việc, hay xã hội sống.

Làm rõ hơn về vấn đề (*) được đề cập phía trên, mình học cấp 3 tại một trường công ở quê, không phải trường chuyên hay gì nhưng độ nặng của việc học thì là cái ghế vì nó không phải bàn. Dù giáo viên sẽ tuỳ vào khối mà ưu tiên thời gian cho học sinh, nhưng đòi hỏi về đáp ứng chất lượng từ học sinh thì luôn luôn phải có. Dù học sinh không cần phải học chương trình nâng cao của các môn ngoài khối, tuy nhiên, bài vở cũng như kiểm tra thì luôn phải đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu từ giáo viên, nên sẽ không có chuyện không học hay học bừa mà thầy cô vẫn cho điểm cao được. Mình biết nhiều trường chuyên, để tạo điều kiện cho học sinh học sâu vào khối chuyên mà sẽ ưu tiên “cho điểm” ở các môn khác, mình không xét chuyện phù hợp hay không nhưng ở đây, mình muốn đề cập đến việc chuyện không làm mà đòi có ăn là không xảy ra ở trường mình trong khoảng thời gian mình học cấp 3. Đó cũng là lý do vì sao mình được học sinh tiên tiến vì thiếu 0,1 điểm ở môn Ngữ Văn. Mình không rõ những người khác thấy ác cảm với giáo dục Việt Nam vì họ học nhiều nhưng được cho điểm như những người học ít, hay vì họ được tạo điều kiện để học chuyên sâu nhưng lại không tìm được cách phát huy khả năng, nhưng với mình, nhờ việc được yêu cầu học đều các môn ngoại khối và học nâng cao những môn trong khối, nó đã tạo ra nhiều giá trị và một nền tảng cố định để lý luận và áp dụng sau này (**). Thực ra, vốn dĩ, việc giáo dục nó đến từ nhiều hướng, và nhiệm vụ của chúng ta là tận dụng và phát triển cho những mục đích và mục tiêu cụ thể. Nói về môn Hoá hồi cấp 3, mình dốt đặc, đặc biệt là sau giai đoạn ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh xong, mình mù luôn môn Hoá. Vậy bây giờ, vấn đề được đặt ra là làm sao để trong vòng 3 tháng tới, mình có thể làm gì đó để đạt điểm cao trong kỳ thi khảo sát cuối năm. Cuối cùng, mình tự nghĩ ra một phương pháp học, áp dụng liên tục và mình đạt 8 điểm cho bài kiểm tra cuối kỳ. Mình có học được kiến thức gì môn Hoá không? Rất ít. Mình có học được gì từ cái thách thức đó không? Có, rất nhiều, chính là cái phương pháp học mình nghĩ ra và một tư duy giải quyết vấn đề theo hướng riêng, thứ mà sau này đã cứu mình trong rất nhiều thứ từ chuyện học hành đến công việc hay đời sống. Cho nên sẽ chẳng có gì là vô dụng cả vì vốn chúng ta luôn ở trong tâm thế tiếp thu học hỏi để đảm bảo bản thân có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, thứ mà chúng ta tin sẽ giúp ích chúng ta một ngày nào đó. Và thầy của mình cũng không có vấn đề gì với việc mình điểm thấp cả, đơn giản là vì thầy biết mình mạnh yếu như nào và thầy cũng chả ép phải được điểm cao làm gì khi mình đã xác định được mình muốn học cái gì, nên là bỏ cái từ mất nhân quyền ra nhé.

Để làm rõ mục (**), chúng ta sẽ phải nhìn vào giá trị thực tiễn của các kiến thức được giảng dạy. Thực ra thì chắc lúc học cấp 3, ai cũng sẽ nghĩ, tại sao mình lại phải học môn này môn nọ, mình có cần nó đâu. Đúng ra mà nói, là chưa cần thôi, vì rồi sẽ có thời điểm, chúng ta sẽ tự trách là sao chúng ta không học kỹ hơn, hay là không tìm tòi sớm hơn. Không có kiến thức nào là vô dụng cả. Tại sao bạn cần học Văn, vì để biết cách mà diễn đạt với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, để biết cách mà viết luận, mà viết hồ sơ. Tại sao lại cần học Sử, vì để biết mà nói với người Tây là War in Vietnam chứ không phải Vietnam War. Tại sao lại cần học Địa, vì để biết mà phân biệt đông tây nam bắc chứ bên này người ta toàn chỉ đường đặt hướng như vậy. Tại sao lại cần học Lý, vì để biết cái gì nên đụng vào, cái gì thì không. Tại sao lại cần học tiếng Anh, vì để biết mà liên kết giao du với thế giới. Tại sao lại cần học Toán, vì để biết mà phát triển khả năng tư duy. Còn nhiều thứ khác nữa nhưng chung quy lại, đã là một môn học thì nghĩa là nó phải có giá trị thực tiễn. Cái điểm số chính là thước đo để xem chúng ta hiểu các kiến thức và bài học ở mức độ nào. Như thế nào thì gọi là vô dụng khi mà tất cả mọi nơi trên thế giới, người ta đều dùng thang điểm để phân loại và đánh giá học sinh? Khi bạn nộp hồ sơ vào một trường đại học ở Mỹ hay một công ty, bạn sẽ luôn nghe được những câu như là điểm số bằng cấp không quan trọng, quan trọng là kỹ năng và tư duy. Đúng, vì chính xác là các trường ở Mỹ bắt đầu đưa các con điểm vào mục không bắt buộc, nhưng thử hỏi bao nhiêu người nộp hồ sơ mà lại không nộp thêm điểm SAT hay TOEFL hay TOEIC, bởi vì tự họ nhận thức được rằng, con điểm không quyết định tất cả nhưng nó là minh chứng cho mức độ hiểu biết của bản thân họ. Mình nhớ hồi học tú tài, mình từng chứng kiến một đứa khóc lóc với thầy xin nâng điểm vì nếu điểm thấp thì nó không nộp được vào trường nó mơ ước, thầy chỉ đáp nhẹ một câu là: “Thầy rất tiếc nhưng em nên được đặt vào đúng nơi và đúng tầm”. Hồi đó thầy dạy Lý bị cho thôi việc vì học sinh phàn nàn thầy dạy chán (với ai chứ với mình thì ông ấy dạy hơi bị vui), xong rồi trường đưa về một giáo viên dạy Lý khác và học sinh bắt đầu phàn nàn về việc được điểm thấp, ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ đại học của họ, nghe có vẻ tham lam nhỉ. Nói trắng ra là điểm số nó rất quan trọng. Mình từng hỏi thầy cố vấn của trường lúc mình nộp hồ sơ đại học Mỹ là điểm số có quan trọng không, thầy nói thẳng luôn: Có, và điểm dưới mức nào thì không nộp được vào những trường nào. Ngay cả học bổng của mình cũng phải đáp ứng mức điểm tối thiểu hàng năm, và khi nộp hồ sơ thực tập thì các công ty cũng có yêu cầu tối thiểu về GPA. Nên là chính cái sự khắc nghiệt về điểm số ở Việt Nam đã giúp mình dựng được cái bản lề để mà nhảy qua cửa sổ (***). Bạn không cần phải là học bá để giải cứu thế giới, nhưng những người đang giải cứu thế giới lại là những người học “kinh vãi chưởng” và cái khả năng vươn lên trong những môi trường khắc nghiệt của họ lại cực kỳ đáng nể. Trong phim Oppenheimer có một phân cảnh lúc Oppenheimer gặp tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman, chúng ta có thể thấy được hai thái cực, vừa đối lập, lại vừa giống nhau. Một người làm tổng thống thì máu lạnh, tàn nhẫn, và ghét những kẻ yếu đuối, còn một người thì tâm lý bất ổn dù cương quyết, và độc đoán đang là người đứng đầu chương trình sản xuất bom hạt nhân. Dù khác nhau nhưng chính vì hai chữ tham vọng của cả hai người mà đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Nên là bạn đừng hi vọng có thể bước vào một phòng nghiên cứu nếu mà điểm GPA thấp hơn những người cùng cạnh tranh hoặc ít nhất, là bạn chẳng thể sử dụng ngôn ngữ để diễn giải suy nghĩ và quan điểm của bạn với những người khác. Và điều này, nó cần nhiều môn khác gộp lại bên cạnh những môn chuyên ngành mà chúng ta được giảng dạy.

Bây giờ chúng ta làm rõ mục (***). Tại sao sự khắc nghiệt về điểm số ở Việt Nam nó lại giúp mình sau này? Trước hết, có một vấn đề cần phải nhắc qua, đó là nếu chúng ta chỉ tập trung vào sự khắc nghiệt của điểm số, chúng ta sẽ quên để ý đến việc chúng ta đang được tôi rèn như thế nào. Chắc chắn sẽ có những lúc chúng ta sẽ phải tự nhủ, giá mà lúc đó mình được điểm cao hơn, bởi vì chỉ cần 0,1 điểm thôi nó đã thay đổi cái tỉ lệ cạnh tranh rất nhiều rồi. Thực ra sự khốc liệt về điểm số, nó tạo cho mình bộ tâm trí cực kỳ sắt đá khi du học. Nó giống như là, cái gì thua chứ học với làm thì không được phép thua. Không phải tự dưng ở phương tây lại có cụm từ “Asian Monster” (quái vật châu Á) đâu, bởi vì khả năng tiếp thu, ghi nhớ và vận hành lý thuyết của những học sinh châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Singapore khi đến những nơi có điều kiện thực nghiệm nhiều hơn là hoàn toàn nổi trội. Vốn bởi vì nền tảng lý thuyết của họ rất dày sau nhiều năm được rèn luyện, nên việc áp dụng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Giống kiểu, tiếng Anh sẽ dễ hơn cho những người nắm vững ngữ pháp vậy. Nhờ việc được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt như vậy, mà khi học đại học, mình đều tìm được phương pháp để vượt qua được nhiều môn ở đủ thể loại khác nhau từ lập trình, toán, kinh tế, quản trị, tài chính, kế toán, marketing, lý luận, nghệ thuật, hay thiết kế. Thậm chí có những môn mình chẳng hiểu gì như tâm lý học hay tôn giáo học. Giống như ở chương trình đại học của Việt Nam chúng ta có môn triết học đại cương, nhiều người phàn nàn không hiểu hay là chán hay vô dụng thì xung quanh vẫn còn nhiều người được 8, 9 điểm đấy thôi. Nhắc đến đại học ở Việt Nam, thực ra khi lên đại học rồi thì môi trường cạnh tranh nó giảm đi rất nhiều, vì hầu hết mọi người bận cạnh tranh với chính bản thân họ rồi để còn chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lớn hơn sau đó, đó là việc làm. Nên là lúc đó, họ học vì chính con điểm của họ chứ chẳng phải độc hại với ai đâu. Chính những con điểm là sự phân loại tối ưu nhất cho việc ai mạnh cái gì và nên ở môi trường nào. Mình làm trợ giảng cho lớp Toán ở đại học, cái khó nhất của mình không phải là những câu hỏi khó, mà là những câu hỏi dễ đến mức mình không biết phải giải thích như thế nào. Bạn cứ tưởng tượng cảnh mình phải giải thích cho một đứa học sinh 18 tuổi vì sao x + 1 = 2 thì x = 1, đến mức mình phải dùng ngón tay để giải thích như là giải thích cho các bé mầm non thì cậu bạn kia mới hiểu. Cho nên, tính ra, chương trình giáo dục ở Việt Nam chuẩn bị rất tốt cho các học sinh, sinh viên một nền tảng kiến thức rất dày cộng với một tinh thần cạnh tranh rất vững chắc. Có chăng là chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào trường lớp mà bỏ quan công đoạn tìm tòi và tự học từ các nguồn kiến thức bên ngoài mà thôi. Cái này thì phải đến lúc đi làm rồi mới biết ai hơn ai.

Loanh quanh thì còn rất nhiều điểm có thể kể ra. Dĩ nhiên, giáo dục ở Việt Nam cũng còn rất nhiều cái cần phải cải thiện, mà thực ra ở quốc gia nào cũng thế thôi. Có mấy cái hồi mình còn đi học mình muốn được cải thiện như là sức khoẻ tâm lý, điều kiện cơ sở vật chất cho các môn thí nghiệm, C++ (Pascal kinh khủng thực sự), hay là cải cách giáo dục giãn ra một chút. Thực ra bây giờ điều kiện học tập của các em sau này tốt hơn nên những vấn đề mình nêu ra cũng đã được cải thiện rất nhiều. Giáo dục thì luôn phải đổi mới nên chúng ta không thể đánh đồng cả một quốc gia dựa trên trải nghiệm của một vài cá nhân được. Có những thứ nó không tốt với chúng ta nhưng lại lý tưởng với người khác. Tưởng tượng như lúc Elon Musk bắt nhân viên Twitter (X) in code ra giấy để trình bày, mấy ông sinh viên ở Việt Nam sẽ kiểu: “Cái này ở trường tao làm hoài”. Và cũng có những cái, phải học mới hiểu được, đặc biệt là phải học sâu mới hiểu là trông bề ngoài nó thế, nhưng cách nó vận hành ngoài đời thì lại khác. Chính ra môi trường học ở Việt Nam tạo dựng sự gắn bó hơn rất nhiều so với môi trường ở bên này, bọn mình đi học còn chả biết ai tên gì. Có một bài học mà ngày xưa mình học ở Việt Nam được thầy cô dạy mà mình nhớ mãi, đó là thầy cô có thể cho em điểm cao, nhưng đó cũng là cách gián tiếp hại cuộc đời em sau này. Một con điểm vô thưởng vô phạt sẽ gây ra sự đánh giá sai lầm về trình độ và hiểu biết. Đừng đổ lỗi cho việc cạnh tranh điểm số khi mà đó là thứ mà chúng ta muốn. Giờ ra đường cứ một mét vuông 5 đứa IELTS 7 chấm. Điều đó có làm cho cuộc cạnh tranh điểm số trở nên độc hại không? Không, bởi vì cái gì nó nhiều thì tự nó sẽ bị bão hoà và kém quan trọng. Chưa kể đợt này IELTS chuẩn bị được thi lại kỹ năng, thì đến lúc đó người người lại IELTS 8 chấm, đến lúc đó các nhà tuyển dụng, các tổ chức hay các doanh nghiệp sẽ tự biết để bỏ ngoài tai cái yếu tố đó ra, nên là các bạn không phải lo. Xã hội này thực sự khắc nghiệt, giống như cách con người vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn vậy. Tất cả mọi nơi, mọi loài đều có sự đào thải, thua sẽ bị đào thải, kém sẽ bị đào thải, và giỏi không đúng chuyên môn cũng sẽ bị đào thải. Đó là sự phát triển mà chúng ta phải chấp nhận vì chắc chắn không ai muốn có một cá thể yếu trong một tập thể mạnh cả. Đến lúc đi làm chúng ta sẽ hiểu được rằng không ai có thời gian cũng như nghĩa vụ để chờ đợi chúng ta, và cách duy nhất đó là chúng ta phải tự làm cho bản thân trở nên có giá trị, hoặc là chấp nhận phải rẽ đường khác mà đi.

Còn nhiều cái để viết nhưng thôi cất dành dịp sau vậy. Vài năm mình lại hay viết về giáo dục một lần vì làm giáo dục tốt thực sự khó. Giáo dục là ngành ai cũng muốn nhảy vào vì cầu luôn luôn tăng, nhưng để có nguồn cung thực sự chất lượng thì lại vất vả. Mình tự cảm thấy may mắn khi trong suốt quá trình đi học ở Việt Nam, mình đã gặp những người thầy, cô tận tuỵ với mình mà chỉ đòi hỏi đúng một thứ đó là mình chăm ngoan học giỏi. Không biết 15 hay 20 năm nữa, mình còn may mắn gặp được những người thầy cô, khi đó sẽ là đồng trang lứa với mình, tận tâm như vậy nữa không. Với một đứa đi ra từ cổng làng thì giáo dục nó là con đường sáng nhất với mình. Chứ trong bài viết của mình thì không hẳn áp dụng được với những người có bệ phóng tốt, theo kiểu con mà ngã thì có người nhà lo ấy, tại mình loại trừ việc đi học xong về làm cho công ty gia đình rồi, vì với những người này thì học chỉ là một sự lựa chọn của họ mà thôi.

À mà tiện thể là mình ghét mấy đứa hay tỏ vẻ hơn người nhé, học được vài ba chữ tây, đi nước ngoài được vài bước đã quay lại đánh đồng cả một cái hệ thống. Không biết mấy đứa đó có nhận ra là nếu bây giờ lên Google tìm kiếm “Vietnam Map” thì gần như tất cả bản đồ trong phần hình ảnh nó sẽ hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc không. Chả thấy ai nói năng gì chuyện này cả. Đấy, giỏi chỉ trích chứ không thấy đóng góp cái gì, mà toàn là chỉ trích theo kiểu cầm dao đầu lưỡi. Mình chưa đóng góp được gì nên mình im thôi, im cho nước nó lặng. Giống như một doanh nhân nào đó từng nói, phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, nghe hơi buồn cười nhưng thực ra thì cũng đâu có sai.

Bai.

Categories
Người uống cà phê

Quyền lực phải được trao đúng người, vì những kẻ lậm quyền luôn muốn đổi trắng thay đen

Câu chuyện về quyền lực và địa vị hoàn toàn không mới. Nó là câu chuyện thường ngày, thường giờ ở trong bất cứ xã hội lớn nhỏ nào, từ văn phòng công sở cho đến những tầng tầng lớp lớp cao xa hơn. Và đằng sau câu chuyện quyền lực đó luôn kèm theo những bận tâm, thắc mắc về một vấn đề muôn thuở: “Quyền lực đó đã được trao đến đúng người hay chưa?”.

Có một sự ngộ nhận phổ biến rằng những người thạo việc sẽ là những người giỏi nắm quyền. Thực ra, có nhiều người rất giỏi chuyên môn, nhưng người ta chỉ giỏi nhất khi làm nhân viên mà thôi. Để là một người nắm quyền lực giỏi, kỹ năng vận dụng nhân lực thậm chí còn quan trọng hơn cả kỹ năng chuyên môn và không phải ai cũng hiểu điều này vận hành như thế nào. Lấy một ví dụ đơn giản, tại sao trong các môn thể thao, chúng ta luôn cần một người gọi là huấn luyện viên, và trong hầu hết các trường hợp, khả năng thi đấu của huấn luyện viên kể cả khi ở thời kỳ đỉnh cao vẫn kém hơn một số vận động viên trong đội rất nhiều? Giải thích một cách đơn giản, huấn luyện viên được đào tạo và có những kỹ năng chủ chốt của việc huấn luyện và trên hết là quản lý. Một đội bóng bầu dục hay bóng đá cả mấy chục người, nếu một huấn luyện viên không thể ổn định phòng thay đồ, không biết cách sử dụng cầu thủ thì đội bóng đó chắc chắn không thể lớn mạnh. Trong một văn phòng công sở, dù một người quản lý có thạo nghề đến cỡ nào nhưng không có kỹ năng quản trị, không có khả năng nhìn nhận con người và vấn đề tốt thì sẽ không bao giờ có thể nắm quyền lực một cách suôn sẻ và hiệu quả được.

Có một câu nói trong phim Spiderman mà mình khá tâm đắc, đó là: “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao”. Mình đã và đang làm nhiều công việc khác nhau, và với mình thì mình chỉ găp hai kiểu quản lý, hoặc rất xuất sắc, hoặc rất dở tệ. Mình cảm thấy rất may mắn khi được làm việc và kết thân với những người quản lý giỏi đó, còn với số còn lại, mình chỉ biết cười trừ cho qua thôi. Đây cũng là lý do mình không thích lời khen và rất ghét lời nịnh, vì với mình, nó không giúp mình bất cứ điều gì cho việc cải thiện và phát triển các dự án, sản phẩm cũng như kỹ năng và bản thân mình. Với mình, hoặc là được, hoặc là không được, hoặc là tốt, hoặc là không tốt, vì với mình thì tất cả mọi thứ đều không thể hoàn hảo và đều cần được cải thiện. Mình từng gặp những người nói khoác, không phải nói dối, mà là nói khoác lác về bản thân họ, mình thấy khá buồn cười vì không biết là họ sẽ làm gì với đống quyền lực trong tay khi mà họ luôn tìm cách tô vẽ cho sự giả tạo sẵn có đó kèm theo vài lời xu nịnh rất thôôô (ít nhất là với mình thì mình thấy vậy, còn người khác có khi họ lại thích cũng nên), chắc là để đi đường tắt trong con đường mưu cầu quyền lực thay vì cố gắng tự nhìn nhận, tự kiểm điểm, và tự sửa sai, tự phát triển. Giống như trong cuốn “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” có đoạn như thế này:

“Hãy lợi dụng trí thông minh, sự khôn ngoan, và công sức của người khác để vinh thân. Nhờ vậy ta sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực, mà còn giúp ta đạt được vầng hào quang thần thánh về năng lực và tốc độ. Cuối cùng, những người giúp ta sẽ bị lãng quên còn ta thì được nhớ mãi. Đừng bao giờ tự làm điều gì mà người khác có thể làm thay ta” (Robert Greene & Joost Elffers, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng).

Còn một trường hợp cũng khá buồn cười nữa là những người cho rằng họ rất hiểu chuyện, họ luôn muốn là quân sư cho cuộc sống của người khác, họ luôn tưởng rằng họ có tiếng nói mạnh mẽ, định hướng tư duy, suy luận của mọi người, tìm kiếm sự lệ thuộc cùng thương hại của người khác dành cho họ, họ luôn muốn phán xét người khác bằng cái nhìn chủ quan của bản thân họ và họ cho rằng họ rất sõi đời sõi chuyện. Tiếc một cái là chuyện mà họ sõi nhất cũng chỉ là chuyện của họ mà thôi.

Những kẻ lậm quyền lực là những kẻ luôn muốn đổi trắng thay đen, nó vừa làm cho mọi thứ trở nên có lợi cho họ, vừa để thỏa mãn cảm giác có được quyền lực trong tay. Tuy nhiên, có một vấn đề về lâu dài đó là khi họ tập trung quá nhiều về việc thao túng quyền lực, họ bỏ quên mất hoặc không dành đủ thời gian cho việc việc cải thiện năng lực, chưa kể sự tin tưởng và đoàn kết trong nội bộ cũng dần lung lay, và phía sau họ vẫn có rất nhiều người giỏi bằng thực lực sẵn sàng đạp họ xuống để diệt sâu bọ cho bát canh đầy. Bất cứ điều gì, đến nhanh rồi đi cũng sẽ nhanh, và quyền lực không phải là một ngoại lệ. Cho nên việc tự cao tự đại với chức bậc của mình chẳng khác gì một cái thòng lọng treo sẵn vào cổ với rất nhiều người phía dưới sẵn sàng đạp vào ghế bất cứ lúc nào.

Categories
Người uống cà phê

Đái dầm lại cứ hay đổ tại cúc cu

Trước khi vào bài thì mình xin đi thẳng vào quan điểm luôn là: Mình muốn Sơn Tùng MTP giới hạn độ tuổi cho MV There’s no one at all.

I – Đừng dùng hai chữ “nghệ thuật” để lấp liếm cho cái sai

Khi cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra, đã có rất nhiều người cho rằng việc gỡ bỏ MV là sự bóp chẹt nghệ thuật, tuy nhiên, người ta bỏ qua một vấn đề là ai có thể hiểu được nghệ thuật trong MV ấy. Những đối tượng dễ bị tổn thương mà chính phủ đưa ra đó là các bạn học sinh, lứa tuổi trẻ vị thành niên hay những người mắc các bệnh liên quan đến tâm lý. Ấy vậy mà những con người sức khỏe tâm lý bình thường, tuổi tác cũng đã qua cái tuổi sinh viên, có điều kiện để được học và làm việc trong môi trường nghệ thuật lại là những người đại diện phát biểu để bày tỏ giùm tiếng nói của những người dễ bị tổn thương. Thật nực cười. Cách suy nghĩ về nghệ thuật của mỗi người là khác nhau, cũng đồng nghĩa với việc sự tích cực hay tiêu cực thông qua các hình ảnh nghệ thuật ẩn dụ cũng sẽ được nhìn nhận ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cái đập vào mắt chúng ta đầu tiên, cái “nghĩa đen” của MV được truyền tải lại mang xu hướng tiêu cực. Bạn nghĩ một đứa học sinh 15-17 tuổi sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Một người đang suy sụp sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Một người ít kiến thức về nghệ thuật sẽ xem MV với tâm thế như thế nào? Nếu bạn bảo là họ phải hiểu giá trị nghệ thuật, các phép ẩn dụ trong MV thì khác nào bạn đang ép họ phải suy nghĩ như bạn? Bạn đừng độc tài thế chứ.

II – Vì sao lại là Sơn Tùng MTP mà lại không phải các nghệ sĩ khác?

Quay lại tầm khoảng 5 năm trước, thời điểm rap được biết đến rộng rãi đủ nhiều ở Việt Nam nhưng không quá nổi bật, các cuộc tranh cãi về việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh trong rap cũng lớn dần lên. Thời điểm đó, một bên thì lên án vì cho rằng những ngôn từ dung tục, đả kích ở trong rap là trái với thuần phong mỹ tục, là làm xấu đi âm nhạc, còn một bên còn lại thì ủng hộ vì cho rằng, rap là để miêu tả thực trạng xã hội, là để phơi bày góc tối cuộc sống và con người, và rap nên được giữ trọn vẹn theo cách gai góc như cách nó được sinh ra. Và rồi đến năm 2021, nhà nước chính thức có những cảnh cáo tác động lên việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh trong rap, rapper cũng đã phải bắt đầu biết kiềm chế ngôn từ.

Trở lại với Sơn Tùng MTP, nhiều người phản bác rằng, tại sao không đánh vào các nghệ sĩ rác, các kênh giải trí vô bổ khác mà lại đi đánh vào Sơn Tùng. Ở đây, chúng ta cần hiểu rõ rằng dùng một cái sai để thanh minh cho cái sai khác, đó là bao biện. Tất cả đều sai, và dù nhà nước có bỏ qua thì cái sai vẫn là sai, Sơn Tùng vẫn không đúng. Có nhiều lý do để có thể giải thích cho vấn đề vì sao lại là Sơn Tùng. Thứ nhất, Sơn Tùng có sức ảnh hưởng lớn tới các đối tượng trẻ tuổi, những người hầu hết chưa thực sự định hình được cách sống cho bản thân vì vẫn còn trên ghế nhà trường và chưa va chạm xã hội quá nhiều nên rất dễ bị tác động tư tưởng, đặc biệt là từ những người họ yêu mến như idol. Đây là một lứa tuổi cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia vì đây chính là nguồn nhân lực về cả tri thức lẫn thể chất cho tương lai đất nước sau này, ở độ tuổi này, tâm lý vẫn còn dễ bị bất ổn và bồng bột, tất cả những hành động trông “có vẻ ngầu” đều dễ bị họ bắt chước làm theo. Thứ hai, Sơn Tùng là nghệ sĩ hạng A, có mức độ ảnh hưởng về mặt truyền thông top đầu Việt Nam, và người ta thường bảo, muốn làm trùm trường thì phải đấm thằng trùm trường. Nhớ lại vụ việc của Độ Mixi cách đây 2 năm, tại sao thời điểm đó, có nhiều streamer khác và thậm chí là còn tục hơn cả Độ Mixi lại không bị chỉ điểm mà chỉ có mỗi Độ Mixi? Đơn giản là vì tầm ảnh hưởng lên giới trẻ của Độ Mixi là quá lớn, và đánh con đầu đàn thì những con khác sẽ biết mà nghe lời. Cũng tương tự như vụ việc của Khá Bảnh khi có hàng đống youtuber với các nội dung rác khác nhau nhưng Khá Bảnh lại bị xử lý cực kỳ mạnh tay, vì đơn giản, thời điểm đó Khá Bảnh ảnh hưởng quá lớn đến giới trẻ. “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao”, ai xem Spider-Man chắc đều biết câu nói này, Sơn Tùng MTP, trên cương vị là người có ảnh hưởng nhất nhì ở showbiz đến giới trẻ, đã chưa làm tròn trách nhiệm trong việc sản xuất MV There’s no one at all.

III – Việc so sánh US-UK với V-Pop là sự ngụy biện trơ trẽn

Đây là Việt Nam!

Việc đem MV ở một quốc gia với văn hóa, truyền thống, lối sống, chế độ khác để so sánh với một MV ở Việt Nam thật nực cười. Nếu bạn muốn thì cứ việc sống theo kiểu Tây, không ai ép cả, nhưng trên cương vị là những nhà lãnh đạo một đất nước, đất nước, dân tộc, quốc gia phải luôn được đứng đầu. Bạn nghĩ những MV ở phương Tây không gây ra tự tử ư? Nah, Glommy Sunday chắc là ngoại lệ, và còn nhiều tác phẩm nữa. À mà đôi khi họ không tự tử thật, họ chỉ cầm súng đi xả vào trường học thôi, và tất cả các vụ xả súng đều có liên quan đến phim ảnh, âm nhạc, hoặc trò chơi điện tử. Bạn phải hiểu rằng tất cả các bộ phim khi về Việt Nam đều bị kiểm duyệt, cắt xén và gán mác cho phù hợp đối tượng nên đừng có bảo là sao không cấm phim hành động này nọ. Vớ vẩn. Sự ngụy biện này trơ trẽn quá nên mình không muốn nói thêm nhiều.

IV – Làm ơn đừng đem các tác phẩm văn học tinh túy của lịch sử Việt Nam ra so sánh

Các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa đều có xu hướng thể hiện sự khó khăn, gian khổ trong một giai đoạn nào đó trong lịch sử mà nếu hỏi ai đó sống qua thời kỳ đó, họ sẽ gật đầu bảo đúng. Các nhân vật cũng được thể hiện xuyên suốt qua các câu chuyện, gán ghép vào đó các giá trị nhân văn về con người cũng như cuộc sống. Thử hỏi, một MV 4 phút với một hình mẫu nhân vật nổi loạn thể hiện được bao nhiêu phần trăm số lượng giới trẻ hiện giờ? Bây giờ ai cũng nổi loạn và bây giờ cuộc sống toàn sự hằn học vậy à? Chính vì các tác phẩm văn học được lồng ghép nhiều giá trị nghệ thuật, có thể có cả các cảnh mang xu hướng tiêu cực nên mới cần giáo viên, một người đủ chuyên môn hiểu biết, để giảng dạy, để giải thích cho học sinh hiểu và để đảm bảo học sinh không suy nghĩ sai đường. Ai sẽ là người dạy bạn xem MV? Và mình nhắc luôn đó là, với những đối tượng còn nhỏ tuổi, chưa đủ nhận thức thì những cảnh tiêu cực ấy cũng sẽ bị bỏ ra khỏi chương trình học và giảng dạy nhé. Ai hồi nhỏ chắc cũng từng nghe chuyện Tấm Cám nhưng phải lớn hơn một chút mới được biết cái kết thực sự của nó là như thế nào.

Trong môn toán liên quan đến khoa học dữ liệu, có một phần là “Giả thuyết không” (null hypothesis). Nếu bạn không thể tìm được bằng chứng để phủ nhận giả thuyết không, không đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận giả thuyết không là đúng, chỉ đơn giản là chúng ta thất bại trong việc phủ nhận giả thuyết không mà thôi. Chúng ta không có bằng chứng chứng minh MV There’s no one at all gây ra các hành vi và tâm lý tiêu cực cho giới trẻ, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc MV này vô tội như mình đã giải thích ở trên; nó vẫn sẽ là một tác nhân trong nhiều tác nhân có ảnh hưởng tiềm tàng tới hành vi và tâm lý của nhiều người trẻ, đặc biệt là những người đã có vấn đề về tâm lý. Vì thế, hãy như Soobin Hoàng Sơn, giới hạn độ tuổi, ngừng PR cho MV, và mọi thứ sẽ ổn. Còn về việc liên quan đến giáo dục của phụ huynh, người lớn, mình sẽ ra một bài riêng.

Góc nhìn này là của mình, nếu bạn hỏi là vì sao mình có thể lên tiếng được khi mình cũng là một người bình thường, đúng, hiện giờ mình ổn, nhưng mình đang lấy bản thân mình của thời kỳ trước để nhìn nhận vấn đề này, thời kỳ đã để lại những vết sẹo chi chít vĩnh viễn trên cả thể xác lẫn tâm hồn mình. Peace out.

Categories
Người uống cà phê

Vì sao mình ngừng chia sẻ?

Ba năm không hẳn quá dài, nhưng nếu là ba năm của những tuổi 20, mình nghĩ thời gian đó đã là dài để mình có thể nhìn thấy rất nhiều sự thay đổi, có cái hay, có cái dở của cả bản thân mình và đặc biệt là những người hiện diện xung quanh mình, ở cả thế giới thực hay trên mạng xã hội ảo. Mình luôn muốn trở thành một người truyền cảm hứng được cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ như mình, và mình không bao giờ có ý định từ bỏ suy nghĩ đó. Tuy nhiên, vì tâm nguyện rằng mình luôn muốn mọi người tìm thấy điều gì đó cho bản thân sau khi đọc, nghe mình chia sẻ, nên nếu như mục đích này không đạt được, mình muốn được im lặng, muốn lùi lại, hay chỉ đơn giản là ẩn dật đi, vì nếu không thể trao gửi cho người khác một niềm tin hay một kinh nghiệm nào đấy có thể thúc đẩy họ, thì dù có lên báo đài cả trăm lần hay viết đi viết lại hàng nghìn trạng thái trên mạng xã hội, nó cũng chỉ là sự khoe mẽ nhất thời mà thôi.

Khoảng cách giữa chia sẻ và khoe khoang rất mỏng manh và không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra.

Thời điểm mình lên báo Nghệ An, mình đã tưởng rằng chuyện đã thành, nhưng hóa ra, để có thể truyền cho người khác động lực, cảm hứng và sự nhiệt huyết đúng đắn, có rất rất nhiều điều khác mình cần hoàn thiện, và nếu sai sót, mọi thứ đơn giản sẽ tự trở thành khó khăn. Ba năm rời xa khỏi vòng quay thường nhật cũ thực sự là một trải nghiệm khá thú vị. Ngoài việc tự xây dựng cho bản thân một thế giới riêng, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, những người thân thiết có chọn lọc và lùi xa khỏi những “ngọn lửa” không cần thiết, điều thú vị nhất chắc là lướt mạng xã hội và xem nhiều người trở thành nhà tư tưởng, nhà triết học, đạo lý gia, chuyên gia online (*mặt cười*). Mình nghĩ, việc nói lên ý kiến, quan điểm cá nhân cho một vấn đề xã hội là điều tốt vì người xem sẽ có nhiều góc nhìn hơn để có thể suy luận, đối chiếu chính quan điểm của bản thân (cái mà người ta vẫn hay gọi là suy nghĩ phản biện – critical thinking), tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, những quan điểm được đưa ra theo phương diện cảm tính quá nhiều và nó thiếu đi sự khách quan khi đọc bài viết (kiểu, nguồn: trust me bro *mặt cười*), và vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là việc từ quan điểm bản thân, lại đi quy chụp cho một bộ phận hay cả xã hội và rồi lại đi rao giảng đạo lý sống cho người khác (hay còn gọi là dạy đời). Có nhiều thứ thú vị khác nữa mà mình thấy trong suốt khoảng thời gian ấy, tuy nhiên mình sẽ cất dành nó cho những bài viết khác, bài viết này chỉ là để khoe với mọi người rằng đây sẽ là thế giới online của riêng mình, mình sẽ hoạt động chủ yếu ở đây, mọi người cứ thoải mái bình luận ở dưới tất cả các bài viết và mình sẽ cố gắng trả lời.

Bài viết này mình muốn viết một cách ngắn gọn vì lâu lắm rồi mình không viết gì nên khả năng văn chương nó cũng hơi đi lùi. Có một điều mình nhận ra được rõ ràng nhất trong suốt ba năm vừa qua, đó là, quan niệm về cuộc sống, dưới con mắt của mình, đã thay đổi quá nhiều. Mình sẽ chia sẻ nhiều hơn trong trang blog/website này. Xin chân thành cảm ơn.

Categories
Người uống cà phê

Quả bóng vàng 2018

Khoan nói về việc Modric có xứng đáng với Quả bóng vàng năm nay hay không nhưng hãy thử đặt câu hỏi: “Liệu khi nhìn vào chủ nhân Quả bóng vàng năm nay, ta có thất bất công cho những con người ở quá khứ?”—–Nhìn lại năm vừa rồi với những gì Luka có được: rất nhiều danh hiệu với đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ. Lần đầu vô địch C1 3 năm liên tiếp, á quân WC. Trong tất cả các chiến thắng đều có dấu ấn rất lớn của Luka, điều đó là không thể phủ nhận.Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Modric góp mười người khác góp một. Modric luôn đóng những vai trò quan trọng trong lối chơi nhưng bên cạnh anh cũng có những con người khác cực kỳ xuất sắc chứ không chỉ giỏi để tạo nên những chiến tích. Modric có 9 điểm nhưng có hàng chục người 8 điểm trong các danh hiệu ấy, thậm chí ở cấp câu lạc bộ, Modric vẫn không phải là người xuất sắc nhất. Vì thế nếu ta chỉ nhìn vào các danh hiệu để đánh giá thì quá chủ quan.Tiếp theo ta nói đến phong độ. Năm vừa qua ta thấy một Modric cực kỳ ổn định, rất ít trận đấu mà ta thấy Modric bị đuối. Tuy nhiên, nếu cái năm Kaka lên đỉnh thế giới, ta thấy một thiên thần đúng hiệu, một năm mà người ta quên mất Ronaldo và Messi là ai thì Modric năm nay khiến người ta phải suy ngẫm nhiều. Lúc mà người ta còn đang tranh cãi cầu thủ xuất sắc nhất, FIFA The Best có xứng đáng với Modric hay không thì bỗng dưng, Modric thể hiện một bộ mặt bạc nhược với Real Madrid, một bộ mặt bạc nhược quá thất vọng, đến mức mà người ta nói 2 danh hiệu trên chỉ là sự an ủi với anh. Không cần phải thống kê, ta cũng thấy được một Real Madrid tan nát thế nào hậu Zidane và Ronaldo, đến mức người ta phải gọi Marcelo là “tiền đạo”. Modric thực sự chưa làm được gì với Real Madrid từ đầu mùa đến giờ, một “FIFA The Best” bị đánh giá tệ nhất trong lịch sử. Modric đang ở trên mây, chưa xuống được mặt đất hay Modric thực sự chỉ làm được có vậy? Câu hỏi này tự mỗi người có câu trả lời.Trở lại với Messi và Ronaldo. Ronaldo vẫn đang làm rất tốt, thậm chí là trên mức mong đợi ở vị trí của mình. Hiệu suất ghi bàn và kiến tạo cực tốt. Là một trong những nhân tố không thể thiếu trong công cuộc C1 của Real Madrid. Đầu tàu đưa Bồ Đào Nha vào vòng chung kết WC 2018 và cũng là cây bàn chủ chốt của Bồ Đào Nha ở WC (hẳn ai cũng nhớ ở vòng loại WC, BĐN đã để thua trận đầu tiên khi không có Ronaldo và trở lại cực kỳ lợi hại khi có Ronaldo, ở WC, chắc chắn không ai quên được Hattrick để đời của Ronaldo vào lưới Tây Ban Nha). Và hơn hết, Ronaldo đang duy trì phong độ cực kỳ ổn định của mình dù vừa mới chuyển sang Serie A. Nên nhớ rằng năm nay Ronaldo đã 33 tuổi, một cầu thủ chuyên sức mạnh và ở một độ tuổi như thế này không dễ để duy trì hiệu suất ghi bàn tốt như vậy.Messi năm nay trầm hơn mọi năm nhưng vai trò của anh vẫn là không thể thay thế. Phong độ có thể phập phùng nhưng sự hiệu quả luôn luôn ổn định. Thất bại ở C1 và việc không để lại quá nhiều dấu ấn ở WC có lẽ là lý do khiến Messi bị tụt lại trong cuộc đua năm nay nhưng vẫn rất bất công cho Messi khi số phiếu của anh là quá thấp. Nên nhớ rằng khi Barca cần thì có Messi và giai đoạn đầu của mùa giải này, Messi đang thể hiện phong độ rất tốt dù Barca đang hơi chùn chân.Nói một chút về Quả bóng đồng, Griezmann năm nay có được chức vô địch WC với Pháp, tuy nhiên, để xét về sự nổi bật ở cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, chắc chắn rất nhiều người sẽ đánh giá Mbappe cao hơn Griezmann. Thậm chí sau WC, nhiều người còn đặt câu hỏi liệu Mbappe có phải là kẻ ngáng đường CR7 và LM10 hay không chứ không phải là Modric.Có một cảm giác rằng Quả bóng đồng năm nay dành cho Griezmann là sự đánh giá của rất nhiều năm cộng lại chứ không chỉ năm nay. Dường như Quả bóng đồng là giải thưởng “an ủi” dành cho Griezmann, giống như cái cách FIFA trao giải Puskas cho Mohamed Salah vậy.

Ca khúc: I Love You
Sáng tác: Mr Siro
Trình bày: Mr Siro