Hôm nay tự dưng vô tình xem lại được mấy bài viết về giáo dục ở Việt Nam, nên là nói chuyện giáo dục đi. Cứ tưởng tượng như đây là một bài nghiên cứu thì luận đề sẽ là: Mức độ giáo dục và đánh giá dựa trên điểm số ở Việt Nam tương đồng ở mức độ nào so với giá trị thực tiễn của kiến thức và kỹ năng dài hạn.
Luận đề thì viết vậy thôi, nhưng chủ yếu thì chúng ta sẽ cố gắng nhìn vào cái thang điểm 10 ở Việt Nam và cùng nhìn nhận xem nó có phù hợp và hữu ích cho việc giáo dục hay không. Trước khi bắt đầu lan man câu chuyện ra thì mình sẽ nêu cái mệnh đề luôn là đối với mình, giáo dục ở Việt Nam tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Sẽ không khó để có thể tìm thấy những bài viết nói về sự yếu kém hay độc hại hoặc là không thực tiễn của việc đánh giá học sinh dựa trên điểm số, các bài viết này đến từ rất nhiều người từ nhiều ngành nghề ở trong và ngoài nước bao gồm cả du học sinh. Dĩ nhiên, tất cả những bài viết đó đều dựa theo quan điểm cũng như trải nghiệm của cá nhân, nên sẽ có những bài viết mang tính đánh giá và cũng có những bài viết mang hơi hướng quy chụp và đánh đồng công khai. Tuy nhiên, tại sao mình lại chọn một cách nhìn khác khi nhắc đến các con số trong bảng điểm? Bởi vì nó đến từ những hoàn cảnh mà mình có thể áp dụng được kiến thức vào thực nghiệm trong khoảng thời gian sau này.
Ai từng đi học mà chẳng phải trải qua khoảng thời gian đổ mồ hôi hột khi nhắc đến chuyện kiểm tra hay thi cử dù có là khối nào hay chuyên nào đi nữa. Nhiều người đánh giá rằng đây là một môi trường hoặc lớn hơn là một hệ thống giáo dục cạnh tranh độc hại vì nó tạo nên một sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các học sinh và hơn nữa là sự đánh giá chủ quan về năng lực của học sinh tại một thời điểm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xét đến hai điểm: thứ nhất, các học sinh có thực sự đang cạnh tranh với nhau hay người mà họ đang cạnh tranh lại là chính bản thân họ; thứ hai, môi trường độc hại được nhắc đến là do tự ngộ nhận, tự tạo, hay chủ đích đằng sau của nền móng giáo dục ở Việt Nam gây ra.
Xét về điểm thứ nhất, cả hai vế đều có khả năng và lý của nó. Đối với mình, đây là điều hiển nhiên vì trong tất cả mọi môi trường và hoàn cảnh, sự đào thải là luôn phải diễn ra, vì thế sự cạnh tranh là bắt buộc phải có. Chỉ từ việc chúng ta luôn học hỏi cái mới, luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng, đó đã là cạnh tranh với chính bản thân chúng ta rồi vì vốn chúng ta luôn muốn tốt hơn để có thể cạnh tranh với những cá nhân khác để tồn tại trong một tập thể mạnh. Cạnh tranh điểm số nó dễ hơn cạnh tranh trong công việc rất nhiều vì điểm số dựa trên những kiến thức mà chúng ta đã được tiếp thu cộng thêm những tài liệu khả dụng cho việc tìm tòi phương pháp và lời giải, chưa kể đến việc những kiến thức được kiểm tra sẽ nằm trong một phạm vi nhất định, tuy nhiên, trong công việc, tất cả mọi thứ đều mới và khác nhau dựa trên các yếu tố về con người, hoàn cảnh hay nói cách khác là tác động từ bên ngoài. Khi bạn làm bài kiểm tra, bạn sẽ phải ôn kiến thức của một năm học, nhưng khi bạn đi phỏng vấn, bạn sẽ phải ôn lại kiến thức của 4 năm, thậm chí là cả chục năm trời mày mò trong đống kiến thức đó. Sẽ có nhiều cách để chứng minh trình độ của bản thân, nhưng giữa việc có một bảng điểm tốt và kinh nghiệm làm việc ngắn hạn với việc bảng điểm kém và một công trình hay thành tựu nổi bật, thì cái nào dễ cho những sinh viên mới ra trường hơn? Nhìn về quá khứ trong giai đoạn chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hay chiến tranh thế giới lần thứ 2, hay cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau này, chúng ta dù có ghét hay thích thì cũng phải công nhận rằng từ những sự cạnh tranh khốc liệt đó mà thế giới phát triển tột bậc trong tầm 50 năm trở lại đây về cả công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội và quân sự. Nếu ai từng học kinh tế thì chắc cũng hiểu được, một thị trường công bằng (fair market) là một thị trường mà chỉ những doanh nghiệp mới và nhỏ muốn bước chân vào, còn khi lớn mạnh hơn rồi, thì tất cả các doanh nghiệp đều tham vọng được độc quyền (monopoly) hoặc chí ít là cùng độc quyền (oligopoly). Chúng ta có cơ hội được tiếp cận tới nhiều thứ rẻ hơn, tiện nghi hơn, và hữu dụng hơn cũng đến từ những sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nơi mà những người không đủ kiến thức, khôn khéo, lì đòn, và biết người biết ta sẽ là những người rời khỏi cuộc chơi đầu tiên.
Xét về điểm thứ hai, điểm số có tạo ra một môi trường giáo dục hay cạnh tranh độc hại? Câu trả lời là không bởi vì giáo dục luôn hướng đến sự phát triển của con người, chỉ có như vậy thì giáo dục mới có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, và việc biến nó trở nên độc hại, đó là do tự chúng ta muốn nó như vậy. Chúng ta có quyền được đặt cho bản thân một tiêu chuẩn để hướng tới, cũng như việc lựa chọn phát huy điều gì dựa trên năng lực của bản thân. Quay lại khoảng thời gian đi học ở Việt Nam, mình rất ghét ngồi trong lớp tại vì mình không phải là một đứa chăm học, hồi cấp 2, mình cũng được bố mẹ cho đi học thêm rồi đi thi cử và tính ra, hồi cấp 2 mình cạnh tranh hơn nhiều vì lúc nào cũng muốn được nhất lớp. Nhưng rồi sau khi được gặp những bạn rất giỏi từ các trường khác hồi đi ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay sau khi tốt nghiệp rồi lên cấp 3, mình nhận ra là những thứ quý giá nhất ở lại với mình lại là những kiến thức từ sách vở, thứ làm nền tảng cho mình để định hướng sẽ học gì và làm gì khi lên cấp 3, đặc biệt là mình nhận ra được thế mạnh cũng như sở thích của mình. Thực ra, cái quyền được định hướng bản thân đã trở nên rất rõ ràng khi chúng ta lên cấp 3 dựa vào việc là chúng ta muốn học sâu vào môn gì để từ đó lựa chọn khối phù hợp để học và thi. Chính thầy cô cũng rất hiểu điều này nên tuỳ vào các khối mà khối lượng các môn học sẽ được tinh chỉnh để phù hợp cho học sinh. Giả sử như mình học khối A thì thầy cô sẽ dạy nặng hơn về các môn tự nhiên, đồng thời các môn xã hội cũng sẽ được thầy cô nới lỏng để tạo điều kiện cho mình (*), rồi sau khi mình định hướng là sẽ thi khối A01 thì mình cũng được ưu tiên thời gian để học sâu hơn các môn Toán, Lý và tiếng Anh. Đây chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến cho mình đánh giá là giáo dục ở Việt Nam không độc hại hay ảnh hưởng quyền con người của học sinh, bởi vì xét đến cuối thì thầy cô luôn muốn học sinh học hành thành công, còn học sinh được lựa chọn học cái gì mà họ giỏi nhất. Hồi kỳ 1 lớp 12, mình được học sinh tiên tiến vì thiếu điểm môn Ngữ Văn, lúc đó có rất nhiều người bất ngờ và thất vọng với kết quả của mình nhưng bản thân mình thấy xứng đáng vì nó phản ánh đúng thế mạnh và điểm yếu của mình ở tất cả các môn học. Và bằng việc tự nhận thức được thế mạnh hay điểm yếu của bản thân, mình tự đưa bản thân ra khỏi cái độc hại mà nhiều người nhắc đến. Và rồi cũng nhờ nhìn nhận kỹ càng về việc mình sẽ làm cái gì tốt hơn mà mình đã quyết định rẽ hướng để lựa chọn con đường đi dù khác so với mọi người xung quanh nhưng lại đúng đắn với mình. Cho nên sự độc hại nó cũng giống như cái ác cảm của con người với một vấn đề nào đó vậy, khi chúng ta xét đến lợi ích cá nhân thì một khi lợi ích bị thiệt hơn mà chúng ta lại không tìm được cách để cải thiện giá trị, trong khi những người khác lại đang gia tăng nó, chúng ta tự sẽ có ác cảm thôi. Một dạng khác của định hướng cạnh tranh nhưng áp dụng được trong khuôn khổ của giáo dục, công việc, hay xã hội sống.
Làm rõ hơn về vấn đề (*) được đề cập phía trên, mình học cấp 3 tại một trường công ở quê, không phải trường chuyên hay gì nhưng độ nặng của việc học thì là cái ghế vì nó không phải bàn. Dù giáo viên sẽ tuỳ vào khối mà ưu tiên thời gian cho học sinh, nhưng đòi hỏi về đáp ứng chất lượng từ học sinh thì luôn luôn phải có. Dù học sinh không cần phải học chương trình nâng cao của các môn ngoài khối, tuy nhiên, bài vở cũng như kiểm tra thì luôn phải đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu từ giáo viên, nên sẽ không có chuyện không học hay học bừa mà thầy cô vẫn cho điểm cao được. Mình biết nhiều trường chuyên, để tạo điều kiện cho học sinh học sâu vào khối chuyên mà sẽ ưu tiên “cho điểm” ở các môn khác, mình không xét chuyện phù hợp hay không nhưng ở đây, mình muốn đề cập đến việc chuyện không làm mà đòi có ăn là không xảy ra ở trường mình trong khoảng thời gian mình học cấp 3. Đó cũng là lý do vì sao mình được học sinh tiên tiến vì thiếu 0,1 điểm ở môn Ngữ Văn. Mình không rõ những người khác thấy ác cảm với giáo dục Việt Nam vì họ học nhiều nhưng được cho điểm như những người học ít, hay vì họ được tạo điều kiện để học chuyên sâu nhưng lại không tìm được cách phát huy khả năng, nhưng với mình, nhờ việc được yêu cầu học đều các môn ngoại khối và học nâng cao những môn trong khối, nó đã tạo ra nhiều giá trị và một nền tảng cố định để lý luận và áp dụng sau này (**). Thực ra, vốn dĩ, việc giáo dục nó đến từ nhiều hướng, và nhiệm vụ của chúng ta là tận dụng và phát triển cho những mục đích và mục tiêu cụ thể. Nói về môn Hoá hồi cấp 3, mình dốt đặc, đặc biệt là sau giai đoạn ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh xong, mình mù luôn môn Hoá. Vậy bây giờ, vấn đề được đặt ra là làm sao để trong vòng 3 tháng tới, mình có thể làm gì đó để đạt điểm cao trong kỳ thi khảo sát cuối năm. Cuối cùng, mình tự nghĩ ra một phương pháp học, áp dụng liên tục và mình đạt 8 điểm cho bài kiểm tra cuối kỳ. Mình có học được kiến thức gì môn Hoá không? Rất ít. Mình có học được gì từ cái thách thức đó không? Có, rất nhiều, chính là cái phương pháp học mình nghĩ ra và một tư duy giải quyết vấn đề theo hướng riêng, thứ mà sau này đã cứu mình trong rất nhiều thứ từ chuyện học hành đến công việc hay đời sống. Cho nên sẽ chẳng có gì là vô dụng cả vì vốn chúng ta luôn ở trong tâm thế tiếp thu học hỏi để đảm bảo bản thân có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, thứ mà chúng ta tin sẽ giúp ích chúng ta một ngày nào đó. Và thầy của mình cũng không có vấn đề gì với việc mình điểm thấp cả, đơn giản là vì thầy biết mình mạnh yếu như nào và thầy cũng chả ép phải được điểm cao làm gì khi mình đã xác định được mình muốn học cái gì, nên là bỏ cái từ mất nhân quyền ra nhé.
Để làm rõ mục (**), chúng ta sẽ phải nhìn vào giá trị thực tiễn của các kiến thức được giảng dạy. Thực ra thì chắc lúc học cấp 3, ai cũng sẽ nghĩ, tại sao mình lại phải học môn này môn nọ, mình có cần nó đâu. Đúng ra mà nói, là chưa cần thôi, vì rồi sẽ có thời điểm, chúng ta sẽ tự trách là sao chúng ta không học kỹ hơn, hay là không tìm tòi sớm hơn. Không có kiến thức nào là vô dụng cả. Tại sao bạn cần học Văn, vì để biết cách mà diễn đạt với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, để biết cách mà viết luận, mà viết hồ sơ. Tại sao lại cần học Sử, vì để biết mà nói với người Tây là War in Vietnam chứ không phải Vietnam War. Tại sao lại cần học Địa, vì để biết mà phân biệt đông tây nam bắc chứ bên này người ta toàn chỉ đường đặt hướng như vậy. Tại sao lại cần học Lý, vì để biết cái gì nên đụng vào, cái gì thì không. Tại sao lại cần học tiếng Anh, vì để biết mà liên kết giao du với thế giới. Tại sao lại cần học Toán, vì để biết mà phát triển khả năng tư duy. Còn nhiều thứ khác nữa nhưng chung quy lại, đã là một môn học thì nghĩa là nó phải có giá trị thực tiễn. Cái điểm số chính là thước đo để xem chúng ta hiểu các kiến thức và bài học ở mức độ nào. Như thế nào thì gọi là vô dụng khi mà tất cả mọi nơi trên thế giới, người ta đều dùng thang điểm để phân loại và đánh giá học sinh? Khi bạn nộp hồ sơ vào một trường đại học ở Mỹ hay một công ty, bạn sẽ luôn nghe được những câu như là điểm số bằng cấp không quan trọng, quan trọng là kỹ năng và tư duy. Đúng, vì chính xác là các trường ở Mỹ bắt đầu đưa các con điểm vào mục không bắt buộc, nhưng thử hỏi bao nhiêu người nộp hồ sơ mà lại không nộp thêm điểm SAT hay TOEFL hay TOEIC, bởi vì tự họ nhận thức được rằng, con điểm không quyết định tất cả nhưng nó là minh chứng cho mức độ hiểu biết của bản thân họ. Mình nhớ hồi học tú tài, mình từng chứng kiến một đứa khóc lóc với thầy xin nâng điểm vì nếu điểm thấp thì nó không nộp được vào trường nó mơ ước, thầy chỉ đáp nhẹ một câu là: “Thầy rất tiếc nhưng em nên được đặt vào đúng nơi và đúng tầm”. Hồi đó thầy dạy Lý bị cho thôi việc vì học sinh phàn nàn thầy dạy chán (với ai chứ với mình thì ông ấy dạy hơi bị vui), xong rồi trường đưa về một giáo viên dạy Lý khác và học sinh bắt đầu phàn nàn về việc được điểm thấp, ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ đại học của họ, nghe có vẻ tham lam nhỉ. Nói trắng ra là điểm số nó rất quan trọng. Mình từng hỏi thầy cố vấn của trường lúc mình nộp hồ sơ đại học Mỹ là điểm số có quan trọng không, thầy nói thẳng luôn: Có, và điểm dưới mức nào thì không nộp được vào những trường nào. Ngay cả học bổng của mình cũng phải đáp ứng mức điểm tối thiểu hàng năm, và khi nộp hồ sơ thực tập thì các công ty cũng có yêu cầu tối thiểu về GPA. Nên là chính cái sự khắc nghiệt về điểm số ở Việt Nam đã giúp mình dựng được cái bản lề để mà nhảy qua cửa sổ (***). Bạn không cần phải là học bá để giải cứu thế giới, nhưng những người đang giải cứu thế giới lại là những người học “kinh vãi chưởng” và cái khả năng vươn lên trong những môi trường khắc nghiệt của họ lại cực kỳ đáng nể. Trong phim Oppenheimer có một phân cảnh lúc Oppenheimer gặp tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman, chúng ta có thể thấy được hai thái cực, vừa đối lập, lại vừa giống nhau. Một người làm tổng thống thì máu lạnh, tàn nhẫn, và ghét những kẻ yếu đuối, còn một người thì tâm lý bất ổn dù cương quyết, và độc đoán đang là người đứng đầu chương trình sản xuất bom hạt nhân. Dù khác nhau nhưng chính vì hai chữ tham vọng của cả hai người mà đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Nên là bạn đừng hi vọng có thể bước vào một phòng nghiên cứu nếu mà điểm GPA thấp hơn những người cùng cạnh tranh hoặc ít nhất, là bạn chẳng thể sử dụng ngôn ngữ để diễn giải suy nghĩ và quan điểm của bạn với những người khác. Và điều này, nó cần nhiều môn khác gộp lại bên cạnh những môn chuyên ngành mà chúng ta được giảng dạy.
Bây giờ chúng ta làm rõ mục (***). Tại sao sự khắc nghiệt về điểm số ở Việt Nam nó lại giúp mình sau này? Trước hết, có một vấn đề cần phải nhắc qua, đó là nếu chúng ta chỉ tập trung vào sự khắc nghiệt của điểm số, chúng ta sẽ quên để ý đến việc chúng ta đang được tôi rèn như thế nào. Chắc chắn sẽ có những lúc chúng ta sẽ phải tự nhủ, giá mà lúc đó mình được điểm cao hơn, bởi vì chỉ cần 0,1 điểm thôi nó đã thay đổi cái tỉ lệ cạnh tranh rất nhiều rồi. Thực ra sự khốc liệt về điểm số, nó tạo cho mình bộ tâm trí cực kỳ sắt đá khi du học. Nó giống như là, cái gì thua chứ học với làm thì không được phép thua. Không phải tự dưng ở phương tây lại có cụm từ “Asian Monster” (quái vật châu Á) đâu, bởi vì khả năng tiếp thu, ghi nhớ và vận hành lý thuyết của những học sinh châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Singapore khi đến những nơi có điều kiện thực nghiệm nhiều hơn là hoàn toàn nổi trội. Vốn bởi vì nền tảng lý thuyết của họ rất dày sau nhiều năm được rèn luyện, nên việc áp dụng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Giống kiểu, tiếng Anh sẽ dễ hơn cho những người nắm vững ngữ pháp vậy. Nhờ việc được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt như vậy, mà khi học đại học, mình đều tìm được phương pháp để vượt qua được nhiều môn ở đủ thể loại khác nhau từ lập trình, toán, kinh tế, quản trị, tài chính, kế toán, marketing, lý luận, nghệ thuật, hay thiết kế. Thậm chí có những môn mình chẳng hiểu gì như tâm lý học hay tôn giáo học. Giống như ở chương trình đại học của Việt Nam chúng ta có môn triết học đại cương, nhiều người phàn nàn không hiểu hay là chán hay vô dụng thì xung quanh vẫn còn nhiều người được 8, 9 điểm đấy thôi. Nhắc đến đại học ở Việt Nam, thực ra khi lên đại học rồi thì môi trường cạnh tranh nó giảm đi rất nhiều, vì hầu hết mọi người bận cạnh tranh với chính bản thân họ rồi để còn chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lớn hơn sau đó, đó là việc làm. Nên là lúc đó, họ học vì chính con điểm của họ chứ chẳng phải độc hại với ai đâu. Chính những con điểm là sự phân loại tối ưu nhất cho việc ai mạnh cái gì và nên ở môi trường nào. Mình làm trợ giảng cho lớp Toán ở đại học, cái khó nhất của mình không phải là những câu hỏi khó, mà là những câu hỏi dễ đến mức mình không biết phải giải thích như thế nào. Bạn cứ tưởng tượng cảnh mình phải giải thích cho một đứa học sinh 18 tuổi vì sao x + 1 = 2 thì x = 1, đến mức mình phải dùng ngón tay để giải thích như là giải thích cho các bé mầm non thì cậu bạn kia mới hiểu. Cho nên, tính ra, chương trình giáo dục ở Việt Nam chuẩn bị rất tốt cho các học sinh, sinh viên một nền tảng kiến thức rất dày cộng với một tinh thần cạnh tranh rất vững chắc. Có chăng là chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào trường lớp mà bỏ quan công đoạn tìm tòi và tự học từ các nguồn kiến thức bên ngoài mà thôi. Cái này thì phải đến lúc đi làm rồi mới biết ai hơn ai.
Loanh quanh thì còn rất nhiều điểm có thể kể ra. Dĩ nhiên, giáo dục ở Việt Nam cũng còn rất nhiều cái cần phải cải thiện, mà thực ra ở quốc gia nào cũng thế thôi. Có mấy cái hồi mình còn đi học mình muốn được cải thiện như là sức khoẻ tâm lý, điều kiện cơ sở vật chất cho các môn thí nghiệm, C++ (Pascal kinh khủng thực sự), hay là cải cách giáo dục giãn ra một chút. Thực ra bây giờ điều kiện học tập của các em sau này tốt hơn nên những vấn đề mình nêu ra cũng đã được cải thiện rất nhiều. Giáo dục thì luôn phải đổi mới nên chúng ta không thể đánh đồng cả một quốc gia dựa trên trải nghiệm của một vài cá nhân được. Có những thứ nó không tốt với chúng ta nhưng lại lý tưởng với người khác. Tưởng tượng như lúc Elon Musk bắt nhân viên Twitter (X) in code ra giấy để trình bày, mấy ông sinh viên ở Việt Nam sẽ kiểu: “Cái này ở trường tao làm hoài”. Và cũng có những cái, phải học mới hiểu được, đặc biệt là phải học sâu mới hiểu là trông bề ngoài nó thế, nhưng cách nó vận hành ngoài đời thì lại khác. Chính ra môi trường học ở Việt Nam tạo dựng sự gắn bó hơn rất nhiều so với môi trường ở bên này, bọn mình đi học còn chả biết ai tên gì. Có một bài học mà ngày xưa mình học ở Việt Nam được thầy cô dạy mà mình nhớ mãi, đó là thầy cô có thể cho em điểm cao, nhưng đó cũng là cách gián tiếp hại cuộc đời em sau này. Một con điểm vô thưởng vô phạt sẽ gây ra sự đánh giá sai lầm về trình độ và hiểu biết. Đừng đổ lỗi cho việc cạnh tranh điểm số khi mà đó là thứ mà chúng ta muốn. Giờ ra đường cứ một mét vuông 5 đứa IELTS 7 chấm. Điều đó có làm cho cuộc cạnh tranh điểm số trở nên độc hại không? Không, bởi vì cái gì nó nhiều thì tự nó sẽ bị bão hoà và kém quan trọng. Chưa kể đợt này IELTS chuẩn bị được thi lại kỹ năng, thì đến lúc đó người người lại IELTS 8 chấm, đến lúc đó các nhà tuyển dụng, các tổ chức hay các doanh nghiệp sẽ tự biết để bỏ ngoài tai cái yếu tố đó ra, nên là các bạn không phải lo. Xã hội này thực sự khắc nghiệt, giống như cách con người vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn vậy. Tất cả mọi nơi, mọi loài đều có sự đào thải, thua sẽ bị đào thải, kém sẽ bị đào thải, và giỏi không đúng chuyên môn cũng sẽ bị đào thải. Đó là sự phát triển mà chúng ta phải chấp nhận vì chắc chắn không ai muốn có một cá thể yếu trong một tập thể mạnh cả. Đến lúc đi làm chúng ta sẽ hiểu được rằng không ai có thời gian cũng như nghĩa vụ để chờ đợi chúng ta, và cách duy nhất đó là chúng ta phải tự làm cho bản thân trở nên có giá trị, hoặc là chấp nhận phải rẽ đường khác mà đi.
Còn nhiều cái để viết nhưng thôi cất dành dịp sau vậy. Vài năm mình lại hay viết về giáo dục một lần vì làm giáo dục tốt thực sự khó. Giáo dục là ngành ai cũng muốn nhảy vào vì cầu luôn luôn tăng, nhưng để có nguồn cung thực sự chất lượng thì lại vất vả. Mình tự cảm thấy may mắn khi trong suốt quá trình đi học ở Việt Nam, mình đã gặp những người thầy, cô tận tuỵ với mình mà chỉ đòi hỏi đúng một thứ đó là mình chăm ngoan học giỏi. Không biết 15 hay 20 năm nữa, mình còn may mắn gặp được những người thầy cô, khi đó sẽ là đồng trang lứa với mình, tận tâm như vậy nữa không. Với một đứa đi ra từ cổng làng thì giáo dục nó là con đường sáng nhất với mình. Chứ trong bài viết của mình thì không hẳn áp dụng được với những người có bệ phóng tốt, theo kiểu con mà ngã thì có người nhà lo ấy, tại mình loại trừ việc đi học xong về làm cho công ty gia đình rồi, vì với những người này thì học chỉ là một sự lựa chọn của họ mà thôi.
À mà tiện thể là mình ghét mấy đứa hay tỏ vẻ hơn người nhé, học được vài ba chữ tây, đi nước ngoài được vài bước đã quay lại đánh đồng cả một cái hệ thống. Không biết mấy đứa đó có nhận ra là nếu bây giờ lên Google tìm kiếm “Vietnam Map” thì gần như tất cả bản đồ trong phần hình ảnh nó sẽ hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc không. Chả thấy ai nói năng gì chuyện này cả. Đấy, giỏi chỉ trích chứ không thấy đóng góp cái gì, mà toàn là chỉ trích theo kiểu cầm dao đầu lưỡi. Mình chưa đóng góp được gì nên mình im thôi, im cho nước nó lặng. Giống như một doanh nhân nào đó từng nói, phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, nghe hơi buồn cười nhưng thực ra thì cũng đâu có sai.
Bai.
quá đỉnh caooooo