Categories
Mấy dự án

Chúng ta muốn dỡ núi dời sông, nhưng bọn trẻ chỉ muốn một chiếc đèn lồng

Nhớ lại hồi lớp 6, lúc mà bạn bè vẫn còn đang làm “thơ tự do” thì mình cũng chút gì đó tự hào khi đã biết gieo vần theo thể thơ. Mình vẫn nhớ bài thơ đầu tiên mình viết là về cây đa, chú Cuội và chị Hằng. Trung Thu đã từ lâu đã không còn đọng lại trong tâm trí mình, thế mà những năm gần đây, có vẻ tất cả chúng ta, không chỉ trẻ con mà cả người lớn, đã biết làm cho Trung Thu trở nên đậm đà hơn nhiều. Dịp Trung Thu này, mình có cơ hội được lan toả dự án khuyến học Bút Nghiên đến với Trung Tâm Y Tế Huyện Nghi Lộc, là một nơi mà mình nghĩ, mang nhiều kỷ niệm với sự nghiệp của mẹ mình hơn.

Hằng năm, Trung Tâm Y Tế Huyện Nghi Lộc (TTYTHNL) sẽ trao các phần quà dành cho các con em của các cán bộ đang công tác trong ngành y tế trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Dĩ nhiên năm nào mình cũng có quà. Thế mà lần đầu tiên mình bước chân vào (TTYTHNL) lại mới chỉ là hồi tháng 7 vừa rồi đây, và với một lý do hoàn toàn khác: mời cưới giúp chị mình. Và đó cũng là lần đầu tiên mình gặp được các bác, các cô chú, anh chị mà mẹ vẫn thường hay kể về. Năm nay, vẫn như thường lệ, TTYTHNL vẫn giữ nguyên truyền thống khuyến học, tuy nhiên, Bút Nghiên được ưu ái khi được mời trao quà tại đêm hội Trăng Rằm do TTYTHNL tổ chức. Dĩ nhiên, mẹ mình là người đại diện đi trao quà, vì đây cũng là một cơ hội để mẹ lại có dịp hội ngộ với những người đã từng đồng hành với mẹ suốt hơn 30 năm sự nghiệp cứu người.

Một đêm hội không quá lớn, cũng chẳng phải nhỏ, nhưng cái cuối cùng đọng lại cho những người tham gia chính là sự vô tư, hồn nhiên và háo hức cũng như thoả lòng của những đứa trẻ. Vì vốn chúng ta cứ hay lo nghĩ làm sao để dỡ núi dời sông, nhưng lại quên mất rằng bọn trẻ chỉ muốn có một chiếc đèn lồng trong đêm Trung Thu đầy mưa đó. Đèn lồng sáng lên trong đêm cũng là những ước vọng và hoài bão đầy ngây ngô của những đứa trẻ mang trong mình tâm hồn vẫn còn thơ dại được thắp sáng để tiếp tục theo đuổi những giấc mơ, những giấc mơ mà chúng chưa bao giờ phải chạy trên sỏi đá. Có những đứa trẻ, chỉ vài hôm nữa thôi, sẽ trở thành người lớn khi một mình bước ra thành phố lớn để theo học Đại học, sẽ bớt đi ngây ngô, bớt đi những mơ mộng, nhưng nếu vẫn còn được động viên một cách chân thành, thì những hoài bão của chúng cũng sẽ không bao giờ nguôi.

Con xin chân thành cảm ơn bác Võ Văn Thắng – Giám đốc TTYT Huyện Nghi Lộc, bác Lê Doãn Hùng – Phó Giám đốc TTYT Huyện Nghi Lộc, bác Lê Chí Kiên – Chủ tịch Công Đoàn TTYT Huyện Nghi Lộc đã tạo điều kiện cho con được mang Bút Nghiên đi xa hơn và đã cùng mẹ con trao quà đến cho các bạn, cũng như xin cảm ơn các cô chú, anh chị khác đang công tác tại TTYT Huyện Nghi Lộc đã đứng ra tổ chức đêm hội này. Và dĩ nhiên không thể thiếu gia đình đã hỗ trợ con từ những ngày đầu tiên. Bút Nghiên năm nay coi như đã hoàn thành.


Quỹ khuyến học Bút Nghiên cùng với dự án cùng tên được triển khai từ đầu tháng 04/2023. Với mong muốn khơi gợi và thúc đẩy tinh thần hiếu học ở quê hương, với mong muốn được góp phần nhỏ nào đó vào công cuộc xây dựng giáo dục ở quê nhà, và với mong muốn được là một phần có ý nghĩa cho xã hội, quỹ khuyến học Bút Nghiên được thành lập và dự án Bút Nghiên được triển khai để trao gửi những món quà khuyến học đến cho các bạn có thành tích xuất sắc trong học tập cũng như các bạn có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần vươn lên vượt khó.


Bài viết này có thể hơi lủng củng, tại hơn 1 giờ sáng mình mới có thời gian để viết, và cũng chỉ được tầm 30 phút mà thôi, nên mình chỉ muốn chốt lại thật gọn là: Mong cho năm sau Bút Nghiên lại được viết.

Categories
Cà phê đắng

Tình yêu của Thu sâu đậm như nào?

Thu không yêu anh nhiều, Thu hay bỏ mặc anh để im lặng rời đi, để lại cái lưu luyến tận cùng với mùi hương của những ngày se lạnh, rong ruổi khắp những con đường. Cảm giác ba năm nó không lâu nhưng nó lại xa vời vợi. Dù cho quãng thời gian ở Việt Nam vừa học vừa làm mệt thật, nhưng cũng là cái cơ hội hiếm có để được ở bên Thu một cách trọn vẹn. Thoáng cái đã ba năm rồi cơ đấy.

Sáng trời ra khỏi phòng, thấy trời cũng lấm thấm mưa lạnh, tự bản thân biết chắc chắn trời đã chuyển mùa rồi. Nhớ cái hồi ở Việt Nam, 6 giờ sáng lọ mọ tìm mọi cách để từ bỏ cái chăn ấm quấn quanh người, bước ra khỏi cửa thấy trời lạnh hiu, tự dưng thấy hôm đó nhẹ lòng hẳn. Cũng có đôi hôm là mưa, cũng có đôi hôm hơi buốt, nhưng mà cái cảm giác từng hơi mát được luồn qua sống mũi đấy thì nó chẳng khác gì một mùi hương nước hoa cả, dịu dàng mà cũng vội vàng. Ngồi trong văn phòng với hơi ấm của con người, khung cảnh bên ngoài lại càng đắt giá hơn. Cứ mỗi lúc những dòng code nó đập vào mắt cho sụp cả mí, anh lại mở cửa đi ra ngoài cho gió lạnh lướt qua mi, anh hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành của những ngày chuyển mùa, tự dưng anh thấy cuộc đời này đáng sống hẳn. Anh luỵ Thu quá rồi.

Một buổi sáng làm việc thật năng suất, anh nghĩ vậy, tại thức dậy với cái tiết trời vô giá như này thì làm sao có thể thờ ơ cơ chứ. 12 giờ kém, tan ca buổi sáng, mọi người chọn ở lại văn phòng thì anh chọn chạy xe quanh phố với Thu. Anh nhớ quán cơm gà cũ quá, nhớ luôn cả quán cơm rang, cả quán bún bò, và anh nhớ cả cái cảm giác chạy vòng vòng quanh thành phố Vinh để tìm được một quán ăn ưng ý, vừa để được Thu ôm anh vào lòng. Hơi nóng của đồ ăn phả vào mặt anh, và cả cái se lạnh của Thu làm anh thấy bồi hồi quá. Nhớ hồi đầu mới đi nước ngoài, anh nhớ Thu da diết, anh cứ vấn vương mãi vì suốt bao nhiêu năm trời ở Việt Nam, anh không biết trân trọng Thu, thế là Covid nó đưa anh về Việt Nam với Thu, cho anh hẳn một thời gian dài bên Thu luôn, để anh ngấm như rượu từng hơi thở của Thu, cho đã đời.

Chiều 3 giờ mới vào làm tiếp, anh lại có thời gian ở bên Thu nhiều hơn. Anh lại lượn lờ quanh hàng cây ven đê, quanh ngóc ngách ven phố, anh nhìn mọi cảnh vật, mọi con người, để cho những câu chuyện, những bài hát được kéo dài thêm. Có đôi hôm anh mệt quá, anh lại về phòng ngủ một giấc ngắn trong khi Thu đợi ngoài cửa, vậy mà vẫn cảm nhận được hơi thở của Thu, đúng là Thu biết cách làm cho người ta lưu luyến mà. Một buổi chiều làm việc thật bận rộn, tại lúc anh nhiều việc nhất cũng là lúc mà mọi người về hết. Nếu như là mùa hè thì có khi anh lại cau mày, nhưng tại Thu nhẹ nhàng với anh, nên anh chẳng phải cau có với Thu làm gì. 7 giờ tối, tan ca, anh không vội về phòng, anh muốn đi một vòng thành phố, anh muốn đến quán hủ tiếu, được ngồi giữa mùi thơm của đồ ăn, của hơi ấm con người, khi mà ở xung quanh, Thu đang thổi những làn gió lạnh làm cho cái bụng đói của anh trở nên trống vắng hơn. Anh nhớ cái mùi hủ tiếu ấy quá.

Về phòng, tắm rửa, sửa soạn, lại bật máy tính lên, 9 giờ vào học. Anh luẩn quẩn với code cả ngày, rồi đến cuối ngày vẫn phải đánh nhau với mấy con số. Nhưng mà không sao, tại vì anh nghe được ai hát:

“Gió cuốn nắng bay xa
Em như ngày hôm qua
Sương mai trong thiết tha
Anh mong em mãi là…”

Thu không biết đâu, anh nghe bài hát này suốt cả thời gian Thu ở bên anh đấy. Đến mức mà những năm sau này, mỗi lần nghe thấy bài hát này, những hình ảnh, những cảm xúc, những ký ức và cả những mùi hương lại ùa về bên anh một cách thật rõ ràng. Covid khiến người ta ở nhà, và cũng khiến cho nhiều nghệ sĩ độc lập có động lực viết nhạc hơn. Và anh thấy mãn nguyện khi những bài hát đó sẽ đi theo anh cả một đời. Học một hai tiết, rồi lại cắm đầu làm việc, việc của anh tính ra đêm đến làm lại suôn hơn ngồi trên văn phòng làm, rồi lại đợi tiết tiếp theo, rồi lại học. Hôm nào xong sớm thì 2 giờ sáng, hôm nào nhiều hơn thì 5 giờ sáng ngủ, quanh quẩn thế là lại hết một ngày, lại “6 giờ sáng lọ mọ tìm mọi cách để từ bỏ cái chăn ấm quấn quanh người, bước ra khỏi cửa thấy trời lạnh hiu, tự dưng thấy hôm đó nhẹ lòng hẳn”.

Để nói về Thu, anh sẽ mất nhiều hơn là một đời để nói, nhưng mà Thu vô tình với anh, chực chờ đến rồi bỏ anh đi khi mà gió rét về, để rồi anh lại chưng hửng với mối tình dang dở của Thu, để rồi mong chờ Thu suốt cả một năm dài. Thu biết là, anh ghét phải chờ đợi rồi đấy, nó mỏi mòn cả con người anh. Thu ạ, Thu không yêu anh sâu đậm đến vậy đâu.

-THU ĐÀNH-

-Trong tập Thu không ghé mà đi qua mất – Chapter 5-

Categories
Cà phê đắng

Gặm nhấm

Khi nói về đoạn cuối của câu chuyện, như một lẽ thường, tác giả luôn thấy nó khó để có thể viết ra, bởi vì xuyên suốt đã là những lời tự sự, những cảm xúc và cả những thầm mong mà ai trong số người đọc, đều tò mò muốn hiểu, và tác giả thì lại mong họ tò mò mãi thêm. Khi bước đến một chặng nào đó của đoạn đường, chúng ta sẽ luôn thấy rằng mình sẽ phải làm cái gì đó ít đi lại, vì đơn giản là cái “đủ” ở mỗi thời điểm nó khác nhau nhiều, và “ít đi” chính là bộ áo giáp sơ cua nhất để tránh cho chúng ta phải chịu đựng đau khổ.

Có hai thứ mình nhận ra là cả đời này sẽ chẳng thể ai có thể hiểu cho mình: sự tổn thương và cảm xúc. Không phải lỗi của ai cả, mà là lỗi của mình, hoặc có thể đổ tại trời dăm ba hôm lại quên gửi nắng. Mình cũng từng bộc phát sự tổn thương của mình ra bên ngoài, từng tìm mọi cách để có thể cầu xin bất cứ một ai nhìn thấu sự tổn thương từ bên trong để có thể an ủi, vỗ về. Nhưng mà làm gì có ai có đủ thời gian và trách nhiệm để phụng sự mình điều đó cơ chứ. Đó chính là thời điểm mà mình lớn lên một chút, khi mình biết gặm nhấm từng mẩu của sự tổn thương âm ỉ như máu rỉ từng chút trong cả tâm hồn và suy nghĩ của mình. Mình biết rằng mình không được phép cầu xin ai, và càng không được phép để ai biết lấy sự tổn thương của mình, vì mình tin chắc, đổi lại chỉ là lời trách móc, dèm pha và chế nhạo đầy tủi hổ mà thôi. Mình tự trách bản thân mình quá nhạy cảm và dễ tổn thương, để bỗng dưng phải tự gai góc lên với tất cả mọi thứ, không phải để trở nên cứng rắn như một thằng đàn ông kiểu mẫu, mà chỉ đơn giản là che dấu đi cái yếu đuối trong cơ thể, vì mấy ai lại coi trọng một thằng đàn ông dễ tổn thương cơ chứ, người ta gọi phiếm nhau là “thằng đàn bà”.

Mình tự bịt miệng mình lại, mình chọn cách không nói ra, không xù lông, không van nài, không giãy dụa. Mình chọn ngậm thật chặt rồi nuốt cái tủi hờn và ấm ức đấy xuống thật sâu nơi cuống họng, nuốt ngược cả những giọt nước mắt sẵn sàng đỏ thành máu, vì mình hiểu rằng, chỉ cần một người tổn thương là đủ rồi. Và đó cũng là khởi nguồn tại sao, mình chọn giấu đi cảm xúc của mình. Đối với mình ngay tại quãng đường này của cuộc đời, có một thứ mình đã làm ít đi, đó là thể hiện cảm xúc của bản thân. Chưa bao giờ, mình lại thấy cảm xúc nó đáng hận đến vậy, vì nó chính là thứ bóp nghẹt mình bao lâu nay. Mình ghét bị bỏ rơi, mình ghét bị xua đuổi, nhưng đó chẳng phải là thứ mà mình sẽ phải trải qua nhiều nhất hay sao? Mình chọn cách gặm nhấm cảm xúc của mình, chọn cách đay nghiến nó để rồi đến khi cảm giác bị bỏ rơi, bị xua đuổi ùa đến, mình đã giấu được cái đau khổ trong lòng. Mình bị ám ảnh bởi cái hình ảnh khi chỉ mình là người suy sụp, còn thế giới xung quanh vẫn tươi vui một cách lạ thường. Mình biết, không một ai cần mình cả, dù có thuyết phục với mình ra sao, mình biết rằng, ai rồi cũng luôn sẵn sàng rời bỏ mình.

Trái tim mình tan nát, và luôn đau đớn. Nhưng mình vẫn luôn chờ cho nó được hàn ghép lại. Đó sẽ là câu chuyện của sự chờ đợi, của việc trao trọn niềm tin, và của cái mong chờ sâu thẳm, có khi đến tận cùng. Mình không biết người ta có kiên nhẫn, có hiểu cho, có đồng cảm, có chi li để nhìn thấu lấy những sự tổn thương hay vụn vỡ cảm xúc, và có vì mình hay không. Mình không kỳ vọng, nhưng vẫn luôn hi vọng. Mong cho cuối ngày, mình không còn phải ngả người, cuộn tròn tấm thân và cầu xin với Trời rằng: “Xin Trời, cho con một lần được thương con”.

Categories
Cà phê đắng

Chỉ còn là khoảng trống đầy vụn vỡ

Trời vẫn trong, cây vẫn xanh, và gió vẫn xào xạc như những gì nó vốn có suốt bao nhiêu năm trời. Hôm nay mệt, thật sự mỏi mệt. Khi mà đầu óc đã mụ mị, cơ thể như một cái vỏ ốc không hồn, lê theo không chỉ đôi chân mà cả tấm thân đầy đau nhức, bỗng dưng mọi thứ xung quanh bớt đi một phần màu sắc nó vốn có. Gia tài của cả một cuộc đời chính là sự an tâm của mỗi ngày trôi qua, và chắc chắn, thế giới này có nhiều hơn là một người đi qua sự bất an mỗi ngày trôi.

Hôm nay đi làm, vẫn như bao ngày khác, chẳng tha thiết, chẳng tham vọng gì. Rồi khi chợt ngoảnh ra ngoài cửa sổ, hàng cây nhấp nhô, con đường chiều vắng người, bầu trời xanh trong không một gợn mây, và chiếc máy bay kéo dài vệt đuôi trên trời. Một phần nào đó trong mình đã hấp hối từ lâu, bỗng dưng được vệt mây này nhắc lại làm cho mình càng vụn vỡ hơn. Tang thương thực sự.

17 tuổi kém, chưa bao giờ đi đâu xa hơn từ Nghi Lộc đến Vinh, một tay xách vali bay vào Thành phố Hồ Chí Minh. 18 tuổi kém, 2 balo, 2 vali, tự bước một mình đến một nơi mà tiếng Việt không còn là ngôn ngữ mẹ đẻ. 5-6 năm trời đấy chỉ biết nhìn vào ngày mai mà sống chứ chưa bao giờ dám lùi một bước. Mình bỏ rơi những hoài bão của tuổi 17-18, nhưng tâm trí lại chưa bao giờ thoát ra khỏi những thứ gọi là “ngày xưa”, để bây giờ lửng lơ với những cơn ác mộng kéo dài từng đêm không ngớt về tất cả những gì đã xuất hiện, và tự chẳng biết, cuộc đời mình đang tồn tại, có thực sự có ý nghĩa với những người mình yêu thương xung quanh hay không.

Mình vẫn không quên ngày xưa vô tư như nào, nhưng mình cũng tự bắt bản thân không được phép nghĩ về. 11 tuổi biết sa ngã là như thế nào, 15 tuổi ậm ừ hiểu được hai chữ thống khổ, 16 tuổi biết rằng không nên thật lòng tin ai, 17 tuổi sụp đổ một lần, 18 tuổi nếm được vị đắng của đồng tiền, 19 tuổi chọn ẩn dật để ở bên gia đình và công việc, 20 tuổi làm lại một lần nữa với đôi chân cứng cáp hơn, 21 tuổi bắt đầu thấy những sợi tóc bạc dài ra và nhiều thêm, 22 tuổi sụp đổ một lần nữa, và giờ sắp 23 tuổi, luôn tự hỏi bản thân rằng mình còn bao nhiêu thời gian. Trong một khoảnh khắc, bỗng dưng mình nhớ lại được những bài hát cũ, nhớ lại được cái hình ảnh lần đầu ngồi trên chiếc máy bay để bay đi cả chục nghìn cây số với mong mỏi cho cuộc đời này bớt bi thương, nhớ lại những ngày hè rong ruổi với chấp niệm rằng cuộc đời này mình có thể lựa chọn, và nhớ lại cái vụt tắt của sự le lói cuối cùng. Nếu ai đó hỏi quãng thời gian qua đã đối xử với mình như thế nào, chắc mình sẽ bảo là, nó giống như ai đó đang nhào những viên đất nặn lại với nhau rồi sau đó lại cố tách ra như ban đầu, nó méo mó, lem luốc, và đầy sẹo.

Suốt 5-6 năm trời qua, khoảnh khắc tủi thân nhất chắc là lúc mình nhận ra rằng mình không còn đường lui. Mình như một con thiêu thân đâm đầu vào bất cứ thứ ánh sáng le lói nhỏ nhoi nào, dù chẳng biết đó là trời cao, hay là mồi lửa thiêu chết mình. Nhưng vì 19 tuổi đã được dạy hai chữ trách nhiệm, có chết mình cũng phải đâm đầu vào, vì nếu không là mình, thì là ai khác cơ chứ. “À ơi đời sao bẽ bàng\Giam người giữa ngục trần gian”. Từ lâu mình đã chấp nhận làm một người lính đánh thuê ở trong chính cuộc đời mình, vì sau bao nhiêu năm rong ruổi và cố gắng, mình chợt nhận ra, là mình chẳng cần gì cho bản thân mình cả. Hoá ra, mình cắn răng bao nhiêu lâu nay, là vì muốn thấy những người mình yêu thương được an nhiên. Hoá ra, đó là cuộc đời của mình. Hoá ra, hạnh phúc đôi khi, nó thô sơ như thế.

Mình mong muốn cho những người mình yêu thương có được cuộc sống tốt hơn, mong muốn cho mỗi ngày trôi qua, tất cả đều được bình an, hạnh phúc, không phải nhìn thấy hay cảm thấy bất cứ thứ gì xấu xí của cuộc sống này. Mình mong cho gió nhẹ trôi, lá nhẹ rơi, cho sỏi đá bớt gồ ghề, để cho cuộc đời này có thể bớt sóng gió với những người mình yêu thương hơn. Mình sẵn sàng làm tất cả mọi thứ có thể để đánh đổi lấy những nguyện ước này, không sót dù chỉ một câu. “Vì cuộc đời này, chúng ta dù có đi mãi, rồi cũng sẽ đến một ngày muốn được an lòng mà thở dài một hơi”.

-Tâm sự từ đêm đến sáng-

Categories
Mấy dự án

Mấy đứa trẻ trông rất vui, ai cũng biết. Người lớn phải có trách nhiệm, ai cũng thiết

Cứ đến hẹn lại lên, hằng năm, hội khuyến học của xóm lại tổ chức trao tặng những phần quà dành cho các em học sinh đạt thành tích trong năm học qua. Mình chẳng thể nhớ nổi lần đầu tiên được ra nhà văn hoá của xóm để nhận thưởng là từ lúc nào nữa, chắc phải 15 năm trước rồi. Nhưng dù có là 15 năm trước, hay cả 100 năm sau đi nữa, hội khuyến học của xóm vẫn sẽ luôn và nên được duy trì, vì đó là sự công nhận và động viên cho những thành quả mà các lứa học sinh suốt bao đời người cố gắng phát huy và giữ gìn.

Thời thế thay đổi theo thời gian. Nếu ngày xưa, một buổi trao khuyến học chỉ vỏn vẹn là những cô cậu bé quần đùi áo lỗ, tung tăng từ chiều đến tối ngoài sân vận động để đến giờ trao thưởng có thể có mặt kịp giờ trong cái nhà văn hoá chật chội, đơn sơ, thì bây giờ, vẫn là những cô cậu bé quần đùi áo lỗ, nhưng cái nhà văn hoá cũ đã được xây lại khang trang, một buổi khuyến học cũng được tổ chức hoành tráng, bài bản hơn nhiều với cả những tiết mục văn nghệ. Chúng ta có quyền tự hào rằng, nông thôn đã thực sự đổi mới, và chúng ta cũng có quyền hi vọng rằng, khi cuộc sống đã bớt vất vả hơn, thì nghiệp học sẽ được thanh thản hơn nhiều.

Năm nay, dự án Bút Nghiên được triển khai từ tháng 4, và xóm mình dĩ nhiên sẽ là một trong những ưu tiên của mình khi triển khai dự án này. Sau bao nhiêu năm ăn cơm xóm từ hoạt động phong trào đến học tập, bây giờ mình có cơ hội được đóng góp một nắm cát vào sa mạc. Nhìn những đứa em, và có cả những đứa nhỏ gọi mình bằng chú (chẳng biết mình có thật sự già không nữa) đạt được những thành tích cao mà ngày xưa, mình cũng một thời mong mỏi mà không thành, mình tự thấy rằng giáo dục vẫn luôn là một lựa chọn đúng đắn dù có ở giai đoạn hay thời đại nào đi nữa.

Tuy nhiên, nói đến cái hay rồi, thì cũng phải nói đến cái chưa hay. Ở cái thời của mình, 10-15 năm trước, cuốn vở ô ly nó to lắm, nên đứa nào cũng ham, đứa nào cũng ráng học để mà được lên bục nhận vở nhận bút, và đôi khi là 10-20 nghìn cho những đứa đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Dù thời đó, quê còn nghèo trắng mắt, bọn mình vẫn luôn chăm học, vẫn luôn ganh đua nhau nhiều, và bọn mình vẫn nhớ mãi một thời đạp xe sáng chiều. Hôm nhận danh sách từ hội khuyến học của xóm, có một chút hụt hẫng khi trong xóm, chỉ có duy nhất một em theo học đại học. Chắc ai rồi cũng sẽ thắc mắc rằng, cuộc sống này còn thiếu điều gì để khiến cho những đứa em không còn mặn mà với cuộc sống sinh viên nữa. Hoá ra, khi nói về vật chất, quê mình vẫn chưa thoát nghèo, vì khi nào người ta vẫn còn phải đặt tiền bạc lên hàng đầu, nghĩa là người ta vẫn chưa giàu.

Mình mong rằng, những món quà nhỏ có thể tạo ra những niềm vui lớn, vì chỉ khi người lớn thấy những đứa trẻ được vui cười trong môi trường trong lành, người ta mới có thể nhận thức được trách nhiệm của họ lớn như nào trong việc giữ lấy niềm vui ấy của tụi trẻ, một niềm vui không vướng bụi tàn.

Ca khúc: I Love You
Sáng tác: Mr Siro
Trình bày: Mr Siro