Câu chuyện về quyền lực và địa vị hoàn toàn không mới. Nó là câu chuyện thường ngày, thường giờ ở trong bất cứ xã hội lớn nhỏ nào, từ văn phòng công sở cho đến những tầng tầng lớp lớp cao xa hơn. Và đằng sau câu chuyện quyền lực đó luôn kèm theo những bận tâm, thắc mắc về một vấn đề muôn thuở: “Quyền lực đó đã được trao đến đúng người hay chưa?”.
Có một sự ngộ nhận phổ biến rằng những người thạo việc sẽ là những người giỏi nắm quyền. Thực ra, có nhiều người rất giỏi chuyên môn, nhưng người ta chỉ giỏi nhất khi làm nhân viên mà thôi. Để là một người nắm quyền lực giỏi, kỹ năng vận dụng nhân lực thậm chí còn quan trọng hơn cả kỹ năng chuyên môn và không phải ai cũng hiểu điều này vận hành như thế nào. Lấy một ví dụ đơn giản, tại sao trong các môn thể thao, chúng ta luôn cần một người gọi là huấn luyện viên, và trong hầu hết các trường hợp, khả năng thi đấu của huấn luyện viên kể cả khi ở thời kỳ đỉnh cao vẫn kém hơn một số vận động viên trong đội rất nhiều? Giải thích một cách đơn giản, huấn luyện viên được đào tạo và có những kỹ năng chủ chốt của việc huấn luyện và trên hết là quản lý. Một đội bóng bầu dục hay bóng đá cả mấy chục người, nếu một huấn luyện viên không thể ổn định phòng thay đồ, không biết cách sử dụng cầu thủ thì đội bóng đó chắc chắn không thể lớn mạnh. Trong một văn phòng công sở, dù một người quản lý có thạo nghề đến cỡ nào nhưng không có kỹ năng quản trị, không có khả năng nhìn nhận con người và vấn đề tốt thì sẽ không bao giờ có thể nắm quyền lực một cách suôn sẻ và hiệu quả được.
Có một câu nói trong phim Spiderman mà mình khá tâm đắc, đó là: “Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao”. Mình đã và đang làm nhiều công việc khác nhau, và với mình thì mình chỉ găp hai kiểu quản lý, hoặc rất xuất sắc, hoặc rất dở tệ. Mình cảm thấy rất may mắn khi được làm việc và kết thân với những người quản lý giỏi đó, còn với số còn lại, mình chỉ biết cười trừ cho qua thôi. Đây cũng là lý do mình không thích lời khen và rất ghét lời nịnh, vì với mình, nó không giúp mình bất cứ điều gì cho việc cải thiện và phát triển các dự án, sản phẩm cũng như kỹ năng và bản thân mình. Với mình, hoặc là được, hoặc là không được, hoặc là tốt, hoặc là không tốt, vì với mình thì tất cả mọi thứ đều không thể hoàn hảo và đều cần được cải thiện. Mình từng gặp những người nói khoác, không phải nói dối, mà là nói khoác lác về bản thân họ, mình thấy khá buồn cười vì không biết là họ sẽ làm gì với đống quyền lực trong tay khi mà họ luôn tìm cách tô vẽ cho sự giả tạo sẵn có đó kèm theo vài lời xu nịnh rất thôôô (ít nhất là với mình thì mình thấy vậy, còn người khác có khi họ lại thích cũng nên), chắc là để đi đường tắt trong con đường mưu cầu quyền lực thay vì cố gắng tự nhìn nhận, tự kiểm điểm, và tự sửa sai, tự phát triển. Giống như trong cuốn “48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực” có đoạn như thế này:
“Hãy lợi dụng trí thông minh, sự khôn ngoan, và công sức của người khác để vinh thân. Nhờ vậy ta sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực, mà còn giúp ta đạt được vầng hào quang thần thánh về năng lực và tốc độ. Cuối cùng, những người giúp ta sẽ bị lãng quên còn ta thì được nhớ mãi. Đừng bao giờ tự làm điều gì mà người khác có thể làm thay ta” (Robert Greene & Joost Elffers, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng).
Còn một trường hợp cũng khá buồn cười nữa là những người cho rằng họ rất hiểu chuyện, họ luôn muốn là quân sư cho cuộc sống của người khác, họ luôn tưởng rằng họ có tiếng nói mạnh mẽ, định hướng tư duy, suy luận của mọi người, tìm kiếm sự lệ thuộc cùng thương hại của người khác dành cho họ, họ luôn muốn phán xét người khác bằng cái nhìn chủ quan của bản thân họ và họ cho rằng họ rất sõi đời sõi chuyện. Tiếc một cái là chuyện mà họ sõi nhất cũng chỉ là chuyện của họ mà thôi.
Những kẻ lậm quyền lực là những kẻ luôn muốn đổi trắng thay đen, nó vừa làm cho mọi thứ trở nên có lợi cho họ, vừa để thỏa mãn cảm giác có được quyền lực trong tay. Tuy nhiên, có một vấn đề về lâu dài đó là khi họ tập trung quá nhiều về việc thao túng quyền lực, họ bỏ quên mất hoặc không dành đủ thời gian cho việc việc cải thiện năng lực, chưa kể sự tin tưởng và đoàn kết trong nội bộ cũng dần lung lay, và phía sau họ vẫn có rất nhiều người giỏi bằng thực lực sẵn sàng đạp họ xuống để diệt sâu bọ cho bát canh đầy. Bất cứ điều gì, đến nhanh rồi đi cũng sẽ nhanh, và quyền lực không phải là một ngoại lệ. Cho nên việc tự cao tự đại với chức bậc của mình chẳng khác gì một cái thòng lọng treo sẵn vào cổ với rất nhiều người phía dưới sẵn sàng đạp vào ghế bất cứ lúc nào.